Thận là cơ quan quan trọng có nhiệm vụ lọc máu, loại bỏ chất thải và duy trì cân bằng điện giải. Để thận hoạt động tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý, việc uống nước đúng cách và đúng thời điểm là yếu tố then chốt.
Các khung giờ “vàng” để uống nước
Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết uống nước vào các thời điểm phù hợp không chỉ giúp thận hoạt động hiệu quả mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Buổi sáng sau khi thức dậy (6 -7 giờ): Uống một cốc nước ấm (250 ml) vào thời gian này giúp kích thích nhu động ruột, thanh lọc độc tố và bù nước sau giấc ngủ dài. Để tăng cường quá trình thanh lọc, mọi người có thể thêm vài giọt chanh hoặc một lát gừng vào cốc nước trước khi uống.
Trước bữa ăn (30 phút trước khi ăn): Trước các bữa ăn chính, việc uống khoảng 200 ml nước sẽ hỗ trợ kích thích enzym tiêu hóa, chuẩn bị cho cơ thể hấp thụ dinh dưỡng và giảm cảm giác thèm ăn quá mức. Tuy nhiên, cần tránh uống nước ngay trước bữa ăn vì có thể làm loãng dịch tiêu hóa.
Sau bữa ăn (1 giờ sau khi ăn): Sau khi ăn xong, mọi người có thể uống một cốc nước nhỏ (200 ml) để hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình phân giải thức ăn. Ngoài ra, nếu ăn thức ăn nhiều muối hoặc cay, hãy tăng nhẹ lượng nước để giúp thận xử lý tốt hơn.
Trước khi vận động: Uống 200-300 ml nước để duy trì cân bằng dịch cơ thể.
Sau khi vận động: Uống từ 300-500 ml nước để bù lượng mồ hôi mất đi. Có thể bổ sung nước điện giải nếu tập luyện cường độ cao.
Trước khi đi ngủ (21 – 22 giờ): Một cốc nước nhỏ (100 ml) mỗi tối trước khi đi ngủ giúp duy trì cân bằng dịch trong cơ thể suốt đêm mà không gây cảm giác khó chịu. Cần lưu ý rằng không nên uống quá nhiều nước vào ban đêm để tránh tình trạng rối loạn giấc ngủ.
“Ban đêm là thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi. Uống nhiều nước có thể gây gián đoạn giấc ngủ do phải đi vệ sinh thường xuyên. Mọi người cũng nên tránh uống nước lạnh vào khung giờ này vì rất dễ gây co thắt dạ dày, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nếu cảm thấy khát quá mức vào ban đêm, hãy kiểm tra chế độ ăn uống hoặc gặp bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý”, bác sĩ Nhất Duy khuyên.
Cách tính lượng nước cần nạp mỗi ngày
Bác sĩ Nhất Duy cho biết, mỗi người cần một lượng nước khác nhau tùy theo cân nặng, mức độ hoạt động và tình trạng sức khỏe. Dưới đây là các cách tính phổ biến:
Theo cân nặng: Công thức 35 ml nước/kg cân nặng/ngày. Ví dụ: Một người nặng 60 kg cần uống khoảng 2,1 lít nước mỗi ngày.
Theo mức độ hoạt động: Người làm việc trong môi trường nóng, tập luyện thể thao hoặc vận động mạnh cần tăng lượng nước để bù lượng mồ hôi mất đi. Lượng nước bổ sung trung bình thường rơi vào 500-1.000 ml/ngày cho các hoạt động cường độ cao.
Theo màu sắc nước tiểu: Nước tiểu màu vàng nhạt là dấu hiệu cơ thể được cung cấp đủ nước. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm hoặc sẫm màu, cần uống thêm nước để cải thiện tình trạng thiếu nước.
Bác sĩ Nhất Duy lưu ý thêm, tổng lượng nước hằng ngày bao gồm cả nước uống trực tiếp và nước từ thực phẩm như trái cây, rau củ, canh, súp… Đối với những người mắc bệnh lý đặc biệt như suy thận hoặc đang lọc máu, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng công thức chung nêu trên.
“Uống nước đúng cách là bước đầu tiên và rất quan trọng để bảo vệ thận. Tuy nhiên, một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống khoa học, vận động hợp lý và ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò không thể thiếu. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ để có một cơ thể khỏe mạnh và một đôi thận khỏe mạnh”, bác sĩ Nhất Duy nói thêm.
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hỗ trợ chức năng thận
Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, người có bệnh lý về thận cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, được theo dõi kỹ. Cụ thể:
Hạn chế muối: Ăn quá nhiều muối làm tăng áp lực lên thận. Nên duy trì lượng muối dưới 5g/ngày.
Kiểm soát đạm: Giảm ăn thực phẩm giàu đạm động vật như thịt đỏ, cá, trứng nếu bạn có vấn đề về thận. Tăng cường thực phẩm lợi thận như cần tây, bí đao, dưa leo; dưa hấu, táo, lê…
Ngủ nghỉ: Ngủ đủ giấc: 7-8 tiếng mỗi đêm để thận có thời gian phục hồi. Tránh thức khuya vì có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.
Hoạt động thể chất: Các vận động vừa sức như đi bộ, yoga và bơi lội là những bài tập nhẹ nhàng được khuyến khích. Tránh làm việc hoặc tập luyện quá mức vì có khả năng tăng áp lực cho cơ thể, ảnh hưởng đến thận.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-chi-ra-cac-thoi-diem-uong-nuoc-tot-nhat-cho-than-trong-ngay-185241220223005193.htm