Muối ngoài công dụng tăng hương vị cho các món ăn, còn là nguyên liệu tuyệt vời trong các bài thuốc y học cổ truyền và làm đẹp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, y học cổ truyền cho rằng muối có tính hàn, không độc, có tác dụng gây nôn, làm mát, thông tiện, giải độc.
Dùng muối trị bệnh
Chảy máu răng: Sáng và tối dùng muối nhuyễn đánh răng, dùng liên tục sẽ đạt hiệu quả.
Đau bụng do lạnh: Muối 250 gram rang cho nóng, bọc vào túi vải chườm vùng bụng. Mỗi lần chườm 10 phút, ngày 3 lần, có tác dụng giảm đau và làm ấm bụng.
Cổ họng sưng đau: Dùng muối cả hạt mà ngậm, hết hạt này sang hạt khác. Hoặc dùng tỏi giã nhỏ trộn với nước muối mà ngậm và súc miệng nhiều lần.
Giảm thiểu tóc rụng: Khi gội đầu, pha một ít muối vào nước.
Phòng trị viêm da: Dùng một ít nước muối rửa tay chân (sau đó dùng nước trong rửa lại), có tác dụng phòng ngừa viêm da.
Đau khớp: Người bệnh đau nhức khớp hay viêm khớp do phong thấp, dùng muối hột 1 kg, rang nóng, bọc trong túi vải, ủ đắp tại chỗ, mỗi tối một lần, thực hiện trong 30 phút, 7 ngày là một liệu trình.
Nổi mề đay: Muối hột 40 gram, cho muối tan trong 100 ml nước nóng, nhiệt độ nước tùy sự chịu đựng của từng người. Trước tiên làm sạch da tại chỗ, sau đó mới dùng nước muối này để chà rửa, chà rửa với số lần càng nhiều, hiệu quả càng cao.
Đau đầu, sổ mũi: Đầu hành 250 gram, cắt nhuyễn, cùng muối cho vào chảo rang nóng, bọc trong túi vải, đắp nóng trên trán.
Làm tan phù mắt: Dùng một muỗng muối hòa tan trong 600 ml nước nóng, dùng bông thấm nước muối, đắp lên mắt, giúp chống sưng phù mắt.
Khô cổ, khàn tiếng: Trước khi diễn thuyết, ca hát, hớp một ngụm nước muối nhạt.
Cảm mạo do lạnh: Gừng tươi giã nhuyễn, rang nóng với muối, chứa trong túi vải, đắp lên trán.
Trĩ, nứt hậu môn: Dùng ít muối pha với nước nóng, ngồi ngâm.
Côn trùng cắn: Dùng nước muối thoa tại chỗ, giúp giảm đau, tiêu sưng.
Dùng muối làm đẹp
Giảm mỡ bụng: Chườm muối giúp làm săn chắc các cơ vùng bụng và giảm mỡ bụng khá hiệu quả. Có thể chườm muối đơn thuần hoặc kết hợp với một số vị thuốc nam làm đẹp da với muối như ngải cứu, gừng tươi…
Trị mụn đầu đen: Dùng tinh thể muối hòa trong nước thoa lên mặt đã được rửa sạch. Sau khi đợi khoảng 5 – 10 phút tùy vào tình trạng mụn, massage nhẹ nhàng để các tinh thể muối rớt dần xuống. Cuối cùng, rửa mặt lại bằng nước lạnh. Những tinh thể muối rớt xuống sẽ lấy đi chất bẩn và những cồi mụn.
Làm sạch da mặt: Muối biển có tác dụng làm sạch da, chống lại vi khuẩn và giúp da ngậm nước. Hòa một nhúm muối với 2 – 3 muỗng nước ấm để tạo một hỗn hợp sền sệt. Massage nhẹ nhàng hỗn hợp này trên mặt và để yên cho mặt nạ này khô trong 10 phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Ngoài ra, muối có tác dụng giải độc, đánh bóng cơ thể, lấy đi lớp tế bào dày sừng một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
Rửa mặt bằng muối có hiệu quả rất tốt trong việc loại bỏ chất bẩn trên mặt, mụn trứng cá, chất dầu mỡ tích tụ trong lỗ chân lông, thậm chí cả mụn đầu đen. Tránh không để muối bắn vào mắt làm tổn thương kết mạc.
Tuy muối biển rất tốt trong việc dưỡng da, nhưng nó cũng dễ gây kích ứng nếu da quá mỏng hay nhạy cảm. Thận trọng về độ kích ứng của da để tránh bị phồng, rộp da.
Khử mùi cơ thể: Dùng muối biển chà xát những vùng da có mùi như dưới cánh tay và lòng bàn chân.
Chăm sóc tóc: Dùng một ít muối, một ít phèn chua, pha loãng trong nước ấm, thấm đều lên da đầu và massage trong vài phút. Dùng khăn sạch quấn tóc để ủ trong 10 phút. Sau đó, xả lại bằng nước ấm. Da đầu sẽ hết bị ngứa và gàu cũng giảm dần.
Muối làm trắng răng: Muối hột hay muối biển còn có tác dụng tẩy trắng. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã sử dụng muối như một loại kem đánh răng giúp diệt khuẩn tránh hôi miệng và giúp răng sáng bóng. Sử dụng những loại kem đánh răng có chứa tinh chất muối hay súc miệng bằng nước muối loãng hằng ngày sẽ giúp răng trắng sáng hơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-chi-cach-dung-muoi-tri-benh-va-lam-dep-18524102515161008.htm