Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích vương triều nhà Lý - một trong những vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian với nhiều công trình, loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc: văn hóa quan họ, nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ; các làng nghề truyền thống nổi tiếng vừa đậm chất văn hóa vừa phản ánh những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc vốn có. Đó là tinh thần yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo, hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng; yêu say các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc…
[caption id="attachment_1812" align="aligncenter" width="1432"]Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX. Đi qua một phần tư thế kỷ cùng rất nhiều khó khăn, thách thức do ở xuất phát điểm thấp. Song vượt lên trên tất cả, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và ý chí, khát vọng vươn lên và tinh thần chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị với những bước đi đúng hướng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới với những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế và sức vươn trên con đường hội nhập, phát triển.
Tỉnh Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển ở tầm cao mới với yêu cầu phải đảm bảo phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại; đòi hỏi phải huy động nguồn lực và tạo những động lực mới. Trong đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã xác định: “Xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, thực sự trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững”(1). Quan điểm này xuất phát từ tiềm năng và sức mạnh to lớn của bản sắc văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh-Kinh Bắc trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Những giá trị đó đã và đang được phát huy cao độ trong thời kỳ đổi mới: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
[caption id="attachment_1813" align="alignnone" width="800"]Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; GRDP (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020, đứng thứ 13 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 77,3%; dịch vụ 16,1%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 2,7%. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và đứng thứ nhất cả nước; quy mô các ngành thương mại và dịch vụ tăng nhanh, hoạt động ngoại thương có bước đột phá với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 45,2 tỷ USD, xếp thứ nhất cả nước. Tổng thu ngân sách giai đoạn 1997-2021 tăng bình quân 23,4%/năm; năm 2021 đạt 33.257 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, vượt 19,5% dự toán. Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.
Điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Bắc Ninh 26 năm qua đó là tập trung phát triển hạ tầng và các khu, cụm công nghiệp tập trung; thu hút các nhà đầu tư ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào Bắc Ninh. Đến nay, thu hút 1.780 dựa án FDI với số vốn đăng ký 21,1 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB… tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh. Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và là một trong 8 tỉnh trong cả nước hoàn thành xây dựng Nông thôn mới ở cấp xã và cấp huyện.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Những kết quả đó đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhân lên nghĩa tình tương thân, tương ái. Một số chính sách đi trước, thực hiện ở mức cao hơn so quy định của Trung ương, nhất là thực hiện mục tiêu xóa nhà cấp 4 dột nát cho hộ nghèo, các gia đình có công với cách mạng.
Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, tài nguyên môi trường,... được quan tâm chỉ đạo triển khai theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững. Công tác quốc phòng- quân sự địa phương và an ninh trật tự được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng; cải cách hành chính được đẩy mạnh; các chỉ số quản trị của tỉnh đều tăng hạng, trong đó chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 46 bậc); chỉ số SIPAS đứng thứ 9/63 (tăng 7 bậc); chỉ số PAR Index tăng 3,1%, đứng thứ 17/63 (tăng 1 bậc); chỉ số DTI đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, thực sự là khâu then chốt; triển khai các giải pháp nhằm xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng và trong Nhân dân.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đổi mới, tạo được chuyển biến thực chất và dần đi vào chiều sâu.
Phát huy giá trị của bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh còn nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tỉnh trong thời đại của các cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang bùng nổ và cạnh tranh chiến lược toàn cầu đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Đổi mới sáng tạo và tri thức trở thành vấn đề mấu chốt, nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nguồn lực không thể thiếu của quá trình phát triển bền vững. Đó là những vấn đề có tính chất phổ biến, không thể đảo ngược được trong điều kiện thế giới ngày nay. Mặt khác, bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, Bắc Ninh không có lợi thế gì khác ngoài tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa và con người. Đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để Bắc Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu, coi trọng yếu tố năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả tổng hợp kinh tế- xã hội - môi trường, đảm bảo cho việc xây dựng một đô thị trực thuộc Trung ương phát triển bền vững trong tương lai. Trong một thế giới ngày càng biến đổi nhanh chóng, phức tạp thì nguồn lực nội sinh tạo thành động lực lớn nhất cho sự phát triển bền vững vẫn là những giá trị của bản sắc văn hóa và con người.
Có thể thấy 26 năm - khoảng thời gian không dài trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng đó là dấu mốc quan trọng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sự trưởng thành vượt bậc, khát vọng, ý chí vươn lên của Đảng bộ, quân và dân Bắc Ninh trong công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương. Những thành tựu sau ¼ thế kỷ làm thay đổi bộ mặt, diện mạo và bức tranh kinh tế- xã hội của Bắc Ninh từ thành thị đến nông thôn. Sau 25 năm nhìn lại, không ai có thể hình dung được từ một tỉnh thuần nông; hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu lại mọc lên những làng quê trù phú, những công trình, dự án quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế đã và đang đi vào hoạt động, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thị xã Bắc Ninh năm nào nay đã là thành phố đô thị loại I năng động, sáng tạo và hiện đại, đang vươn mình mạnh mẽ để hội nhập và phát triển. Từ Sơn, quê hương của vương triều Lý nay đã là thành phố trẻ đang trên đà khởi sắc. Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong, Tiên Du,… cũng đang kịp hòa vào dòng chảy chung của sự phát triển, đang trong lộ trình trở thành thị xã trong tương lai. Và, còn biết bao vùng quê khác trên mảnh đất Bắc Ninh-Kinh Bắc dẫu còn khó khăn, với những trăn trở, lo toan nhưng vẫn trọn niềm tin một lòng theo Đảng, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng cách mạng để xây dựng quê hương phát triển đi lên.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh năm 2012, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2017. Đặc biệt, kỷ niệm 190 năm thành lập và 26 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phấn khởi trước những thành tựu to lớn sau 26 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, và hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Bắc Ninh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi phương hướng chung và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, hướng tới năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh, trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau:
Tiếp tục nắm chắc diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và tỉnh, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới của COVID-19, để kịp thời xây dựng các phương án, chính sách, biện pháp ứng phó đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung đô thị và Quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô. Phát triển đô thị Bắc Ninh phù hợp với quy hoạch trong mối quan hệ cấu trúc không gian kinh tế - xã hội và đô thị, trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, gắn kết với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước theo định hướng “hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực nhằm kiến tạo môi trường phát triển kinh tế có tính cạnh tranh cao, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường cụm công nghiệp, làng nghề.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Bắc Ninh; thu hút đầu tư có chọn lọc; đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa để tiến nhanh tới hiện đại; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 Khu công nghiệp mới thành lập và Khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng tiện ích, hiện đại gắn với kinh tế đô thị; khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào các dự án dịch vụ tạo động lực lan tỏa trong phát triển khu vực dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng thu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, bảo đảm ổn định hoạt động tiền tệ và tín dụng.
Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với từng giai đoạn. Huy động có hiệu quả nguồn lực xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thủy lợi theo hướng đa chức năng. Thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, báo chí, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm…, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. “Phấn đấu là một trong những tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của nhân dân” như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, không phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và mở rộng hợp tác đối ngoại./.
Bình luận (0)