Với những thành tựu đã đạt được trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, sau hơn 25 năm tái lập, Bắc Ninh bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thách thức đan xen.
Mục tiêu của Bắc Ninh là phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước; một trong những địa bàn dẫn đầu về sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực.
Những mục tiêu đó đã khẳng định tầm nhìn, khát vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về việc xây dựng, kiến tạo, định hình bản sắc, hình thái phát triển của Bắc Ninh trong tương lai, gắn mọi mục tiêu tiêu phát triển với người dân (con người), lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của phát triển và phát triển vì nhân dân.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tỉnh đã cụ thể hóa trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở năm trụ cột về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân
Bắc Ninh chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, thực hiện quyền giám sát của công dân; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xuyên tạc, kích động, vu cáo về “dân chủ, nhân quyền”.
Tỉnh tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác nội chính, cải cách tư pháp… Qua đó, hoạt động của các cơ quan nội chính được tăng cường, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong tham mưu, đề xuất chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao chất lượng hoạt động cải cách tư pháp; chủ động nắm bắt định hướng dư luận xã hội đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc Quyết định số 80-QĐ/TU, ngày 11/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”; Nghị quyết số 87- NQ/TU ngày 15/3/2023 về xây dựng tỉnh an toàn giao thông…
Bên cạnh đó, công tác dân vận của các cơ quan tỉnh tiếp tục được đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TW, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; triển khai 1.334 mô hình công tác “Dân vận khéo”, đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước: Mô hình “phản ánh, kiến nghị” trên điện thoại thông minh; Đề án mô hình “Chính quyền thân thiện” giai đoạn 2021-2025; Tăng cường công tác nắm bắt tình hình người dân cấp cơ sở.
Công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân đã đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 36 cuộc giám sát, phản biện xã hội; 941 cuộc đối thoại (trong đó cấp tỉnh 10 cuộc, cấp huyện 265 cuộc và cấp xã 666 cuộc).
Trong lĩnh vực chính trị, quyền con người còn được thể hiện trong việc thực hiện quyền tham gia bầu cử, tham gia đóng góp ý kiến phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đã quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,07%. Ngay sau Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, kịp thời kiện toàn bộ máy, tổ chức cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bộ xây dựng bộ máy chính quyền thực hiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được cử tri và nhân dân đánh giá cao; công tác tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, theo dõi xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân được quan tâm; thực hiện tốt hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đến nay đã tổ chức 9 đợt tiếp xúc cử tri với tổng số 65 cuộc, với hơn 13.000 cử tri tham dự và 385 lượt cử tri tham gia phát biểu với 384 kiến nghị, trong đó có 83 kiến nghị thuộc thẩm quyền của trung ương, 301 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương.
Trong tăng cường trách nhiệm giải trình, nhiều vấn đề bức xúc được tỉnh đưa ra chất vấn công khai với tinh thần dân chủ, thẳng thắn. Thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân được phát huy có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa” và phong trào khuyến học, khuyến tài, thực hiện nếp sống văn minh.
Xây dựng môi trường ổn định, thuận lợi cho người dân
Tổ chức Liên đoàn lao động tỉnh và công đoàn các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; ký 906 bản Thỏa ước Lao động tập thể; hằng năm tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người lao động, cán bộ công đoàn. Tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước; các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động trong các dịp lễ, tết.
Hội Nông dân tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường”; phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phát triển kinh tế nông nghiệp; chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân… Công tác tư vấn đào tạo nghề cho nông dân của Hội luôn được đổi mới, nâng cao hiệu quả.
Hội Liên hiệp phụ nữ thường xuyên chăm lo đời sống hội viên, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ các dự án phụ nữ khởi nghiệp vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh; phối hợp tổ chức các cuộc hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ.
Tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống, giải quyết ổn định tình hình ngay từ cơ sở, nhất là tại các khu công nghiệp và những nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động nước ngoài.
Về công tác an ninh, tỉnh đã đảm bảo công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, kiềm chế làm giảm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28- CT/TU ngày 28/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Phương Anh