Năm 1997, Bắc Ninh vẫn là tỉnh nghèo, thuần nông, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GDRP) mới đạt 2.020 tỷ đồng, xếp thứ 8/11 tỉnh/thành phố đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành 16 khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ…
Đến năm 2021, GRDP đã tăng lên 227,7 nghìn tỷ đồng, gấp 113 lần năm 1997, chiếm 3,4% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.
Quy mô kinh tế tăng nhanh
Dù dân số tăng cao, nhưng GRDP bình quân đầu người của Bắc Ninh vẫn gia tăng và xếp thứ hạng cao trong cả nước. Năm 1997, GRDP bình quân đầu người mới 196 USD, thấp hơn mức 361 USD của cả nước. Đến năm 2021 ước đạt 6.740 USD, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 3/63 tỉnh/thành phố (Sau Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM).
Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 16,7%/năm, cao hơn mức 7% bình quân chung cả nước. Trong đó, khu vực NLTS tăng thấp nhất (+2,6%/năm); khu vực CN-XD khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng đạt 21,2%/năm, còn khu vực dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng hai con số với 16,4%/năm. Với tốc độ tăng này, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước qua từng năm cũng như cả chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua.
Nhờ huy động được nguồn vốn đầu tư lớn và gia tăng nguồn thu ngân sách, đã tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Ninh đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng hạ tầng kinh tế – xã hội và gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh. Trong đó, hạ tầng nông nghiệp và nông thôn được ưu tiên đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện, nâng cao chất lượng sinh hoạt của dân cư nông thôn.
Tính chung giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh đã huy động được 18.874 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình. Trong đó, vốn NSTW hỗ trợ là 260 tỷ đồng, chiếm 1,4%; vốn NSĐP chi 14.565 tỷ đồng, chiếm 77,2%; vốn từ DN và dân cư là 727 tỷ đồng, chiếm 3,8% và vốn tín dụng là 3.322 tỷ đồng, chiếm 17,6%.
Chủ trương của tỉnh chú trọng phát triển kinh tế – xã hội có tính bao trùm với chất lượng tăng trưởng nâng lên; các chính sách an sinh xã hội vượt trội; giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội được đầu tư và ô nhiễm môi trường được giải quyết. Những tiến bộ và công bằng xã hội là nền tảng, động lực để thu hút nguồn nhân lực, sự đồng thuận cao giữa Nhân dân và nhà đầu tư, tạo ảnh hưởng lan tỏa từ các khu công nghiệp, đô thị tác động đến nông thôn, phát triển toàn diện.
Văn hóa, xã hội được chú trọng toàn diện, gắn bó với bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc
Về phát triển văn hóa, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”).
Tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa; quản lý tốt các hoạt động lễ hội, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường công tác quản lý, tu bổ, các di sản văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao chất lượng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”…
Trong công tác phát triển giáo dục – đào tạo, Bắc Ninh là địa phương có phong trào giáo dục mạnh của cả nước, công tác dạy và học tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, kết quả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọc duy trì trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Quy mô, mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng đồng bộ và hiện đại với tỷ lệ 100% trường công lập được kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia. Chương trình “Sữa học đường” tiếp tục được triển khai hiệu quả ở 100% các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng. Cơ sở vật chất ngành y tế được quan tâm đầu tư; bảo hiểm y tế mở rộng diện bao phủ; Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Tỉnh cũng quan tâm giải quyết vấn đề việc làm và an sinh xã hội: Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội; hệ thống an sinh xã hội tỉnh ngày càng hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng, đảm bảo người dân trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận và hưởng đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội, trợ cấp xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Công tác đào tạo lao động, giải quyết việt làm được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động. Tỉnh hỗ trợ gần 800 lao động nông thôn học nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 76%…
Nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh hơn trong công tác đào tạo và vấn đề việc làm để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND quy định hỗ trợ học phí cho học sinh tốt nghiệp THPT học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm học 2021- 2022 đến hết năm học 2025-2026; phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện để mọi người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề.
Số người lao động có việc làm tăng thêm là 89.162 người, trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.262 người, số lao động được giải quyết việc làm thông qua Quỹ cho vay giải quyết việc làm là 15.466 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, từ 1,74% (năm 2020) xuống 1,72% (năm 2022).
Phương Anh