Trong các chỉ tiêu kinh tế số, một trong những chỉ tiêu cốt lõi nhất là tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Chỉ tiêu này phản ánh kết quả thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế số cũng như đóng góp của kinh tế số đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo kết quả tính toán thử nghiệm của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%. Trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).
Giai đoạn 2020-2022, khu vực dịch vụ nổi bật với tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 6,59%, theo sau là khu vực công nghiệp và xây dựng với mức 6,11%. Ngược lại, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp 0,05% trong tổng GDP.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Các tỉnh thành này tỷ trọng có giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Trước đó theo Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh cũng đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%.
Theo các chuyên gia đánh giá, Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GDP, GRDP bởi đây là trung tâm sản xuất của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, với khả năng sản xuất công nghệ cao. Đồng thời, Bắc Ninh luôn nằm trong top các địa phương thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước.
Bắc Ninh đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế số chung của cả nước. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới quy trình sản xuất, chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang hệ sinh thái, tạo liên kết toàn diện từ sản xuất, thương mại đến tiêu thụ. Điều này không chỉ tăng năng suất mà còn gia tăng hiệu quả lao động. Hiện Bắc Ninh là một trong nhóm các địa phương có tỷ trọng ngành kinh tế số lõi cao nhất cả nước, với các chỉ số kinh tế đã có (như: quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người; thu hút FDI, sản lượng công nghiệp, xuất khẩu). Trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học Bắc Ninh năm 2022 chiếm 50,73%.
Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh cũng nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI). Điều này cho thấy chính quyền tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa và cải tiến công nghệ thông tin trong địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, với mục tiêu hướng đến năm 2030, bao gồm ba trụ cột quan trọng: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Sự thành công của Bắc Ninh không chỉ dựa vào việc thu hút đầu tư nước ngoài mà còn nhờ các chương trình và hướng dẫn được ban hành hướng tới thúc đẩy sự phát triển số hóa. Điều này đã tạo ra một môi trường thích hợp cho doanh nghiệp công nghệ và thúc đẩy sự sáng tạo trong ngành.
Theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Trên 80% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử và duy trì chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
T.H