9/17 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2023

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và điều hành của UBND tỉnh Bắc Ninh năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 cho thấy, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Ninh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 và 5 quyết tâm chính trị, giải quyết 8 “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế – xã hội. Ước cả năm 2023, có 6/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; có 3/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; có 8/17 chỉ tiêu cần phấn đấu để hoàn thành kế hoạch.

a11111.jpg
Một góc thành phố Bắc Ninh

6 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch gồm: Thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng (vượt 0,7%); tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 65,7 nghìn tỷ đồng (vượt 9,5%); thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1,4 tỷ USD (vượt 16,7%); doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ gần 92 nghìn tỷ đồng (vượt 7,2%); tỷ lệ đô thị hóa 60,3% (vượt 15,3%); tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 0,84% (vượt 0,06%); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 96% (vượt 1% so kế hoạch).

Ngoài ra, có 3 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT 95,5%; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người.

8 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch, chủ yếu là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế: GRDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách… Phân tích nguyên nhân chính cho thấy, kinh tế Bắc Ninh hội nhập sâu rộng, các hoạt động đều chịu sự tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là sản xuất, xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm. Các nhân tố bất lợi dồn dập xuất hiện khá phức tạp, sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của tỉnh.

Năm khó khăn đã qua

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định, năm 2023 kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn trong khi năng lực nội tại còn thấp; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn. Là tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn, Bắc Ninh đã bị tác động trực tiếp và bị sụt giảm sâu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước giảm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 

a222222.jpg
Khu công nghiệp Yên Phong – “thủ phủ công nghiệp FDI” của tỉnh Bắc Ninh

Trong một năm khó khăn, Bắc Ninh đã nỗ lực tranh thủ mọi thời cơ để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tập trung quản lý chặt, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Tỉnh đồng thời tập trung triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và các quy hoạch phân khu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển kinh tế đô thị; đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư các khu đô thị, các trường đại học, du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính, ngân hàng, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển. 

2024: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5-6%

Để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong năm 2024, Báo cáo của UBND tỉnh cho biết , Bắc Ninh đề ra 3 quyết tâm chính trị, 17 chỉ tiêu chủ yếu, 10 nhiệm vụ và giải pháp. 

Theo đó, tỉnh phấn đấu GRDP năm 2024 tăng 5 – 6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 75,830 triệu USD, tăng 3%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 70 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%…

Để đạt được mục tiêu này, năm 2024 tỉnh Bắc Ninh tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.

a33333333.jpg
Làm tranh Đông Hồ ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục tái cơ cấu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính ngân hàng đáp ứng nguồn vốn cho phát triển.

Năm 2024, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển kinh tế đô thị; tăng cường thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng cao. Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị; quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Công Duy