Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, mục tiêu tổng quát bao trùm của nền hành chính phục vụ chính là phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Để thực hiện tốt mục tiêu này, nền hành chính phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiện đại. Đó cũng là đòi hỏi của thời đại, đòi hỏi của Nhân dân đối với cả bộ máy hành chính cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy ấy!

Công an tỉnh hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông. Ảnh: N.Q

Trị bệnh sợ trách nhiệm

Là một nhân viên ngân hàng, anh T.A dẫn chứng trải nghiệm trong công việc khi đến cơ quan hành chính: “theo quy định pháp luật, việc chứng nhận hồ sơ có thể kéo dài vài ngày, nhưng trên thực tế chỉ trong một ngày có thể giải quyết xong. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nộp hồ sơ vào sáng thứ 6, dù chiều cùng ngày đã có thể hoàn tất nhưng cán bộ phòng Một cửa vẫn để qua tuần mới trả, làm phát sinh thêm nhiều chi phí không đáng có”.

Anh cho biết, đó là lý do tại sao cần có “lót tay” để công việc trôi chảy và thuận tiện hơn. Và đó cũng là “chi phí không chính thức” mà các doanh nghiệp thường phải chịu để việc làm ăn của mình không bị “làm khó”!

Theo các chuyên gia, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ thể hiện qua nhiều tiêu chí, nhưng quan trọng nhất là thông qua cách họ xử sự và đóng góp để việc thực thi công vụ đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đời sống của Nhân dân ngày càng cải thiện hơn.

Nói cách khác, trong một nền hành chính phục vụ, những “công bộc” của dân phải thật sự sống với dân, đau nỗi đau của dân, lo nỗi lo của dân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn của người dân, làm hết khả năng của để chia sẻ khó khăn với người dân. Và “người được phục vụ” ở đây không chỉ là người dân cấp cơ sở mà còn là doanh nghiệp, đối tượng tạo ra của cải cho xã hội thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều cho rằng trong bộ máy hành chính của tỉnh có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết liệt, nhưng “dài dài trở xuống thì lạnh”. Tình trạng này tuy được cải thiện với chỉ số PAPI tăng cao, tuy nhiên Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận “hiện giờ bệnh sợ trách nhiệm đang lan tràn. Tôi thường xuyên nói với anh em cơ quan chuyên môn chúng ta cứ làm vì dân, vì nước, vì cái chung, đừng có tiêu cực thì đâu có sợ gì”. Chính căn bệnh sợ trách nhiệm mà lãnh đạo UBND tỉnh chỉ ra đã kiềm hãm sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức, khiến bộ máy hành chính công hoạt động cứng nhắc, thiếu chuyên nghiệp, không phục vụ tốt theo như đánh giá của các doanh nghiệp, thể hiện qua kết quả cho điểm trong từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI.

Vì vậy, muốn nâng cao chỉ số PCI, hay rộng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công vụ, xây dựng một nền hành chính phục vụ được sự công nhận của Nhân dân, một trong những điều đầu tiên phải làm là nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ngoài những quy định, chính sách vĩ mô, với cấp địa phương như Bạc Liêu thì những giải pháp cần thiết là cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người đúng việc. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức…

Thật ra những giải pháp này đã và đang được Bạc Liêu thực hiện, tuy nhiên hiệu quả mang lại thì chưa được như mong muốn. Nhiều giải pháp được triển khai thực hiện chỉ mang tính hình thức, và sự thay đổi vẫn chưa rõ nét. Vì vậy rất cần sự quyết tâm, nhất quán và nỗ lực nhiều hơn từ các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.

Hiện đại hóa nền hành chính

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới, chuyển dần các hoạt động trong đời sống thực sang môi trường số thì một nền hành chính hiện đại cũng là xu hướng tất yếu. Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ góp phần làm giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian mà còn cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Các chỉ số thành phần được đo lường ở chỉ số PCI như cải cách thủ tục hành chính, tính minh bạch, tính năng động… cũng được đánh giá ở môi trường trực tuyến bên cạnh hoạt động trực tiếp. Điều quan trọng là việc hiện đại hóa nền hành chính sẽ giúp thay đổi phương thức, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ này với nhiệm vụ được giao. Nền hành chính cũng từ đó mà chuyển từ quản lý sang phục vụ như mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Để hiện đại hóa nền hành chính thì không gì khác hơn là phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Trên môi trường số, các cơ quan quản lý nhà nước phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng dịch vụ công; phát triển, kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương…

Tất cả đều hướng tới việc nâng cao hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Nhưng để chuyển đổi số thành công, yếu tố then chốt lại vẫn chính là con người như lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định.

Để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số thì đội ngũ công chức, viên chức phải thay đổi tư duy, nhận thức được vai trò của mình trong cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi cách thức làm việc hành chính giấy tờ sang làm việc trên máy tính, trao đổi thông tin và dữ liệu trên mạng là việc không hề dễ với đội ngũ công chức vốn được đào tạo theo kiểu cũ. Vì vậy song song với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực để làm việc trong môi trường số, đáp ứng năng lực chuyển đổi số thì tỉnh cũng cần có chính sách để thu hút trí thức trẻ, người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước chứ không thể chỉ chăm chăm vào tinh giản biên chế.

PAPI và PCI là những chỉ số đo lường, vì vậy kết quả đánh giá cũng chỉ mang tính tương đối và tùy thuộc vào việc lấy phiếu ở điều kiện nào, cách thức lấy phiếu ra sao… Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ kết quả của các chỉ số này thì lại khá rõ. Khi chỉ số PCI của tỉnh liên tục lọt xuống nhóm thấp nhất cả nước, hình ảnh về một Bạc Liêu năng động, cởi mở, tích cực thu hút đầu tư bị mờ nhạt, thay vào đó là sự ngán ngại của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn khi muốn đến đây.

Hệ quả là Bạc Liêu thiếu những doanh nghiệp là cánh chim đầu đàn có vai trò dẫn dắt, tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, hấp dẫn. Cũng từ đó, PCI không có được điểm số cao từ các doanh nghiệp lớn mà chỉ phản ánh được cái nhìn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cái vòng lẩn quẩn này sẽ trói chân Bạc Liêu thực hiện khát vọng vươn lên trở thành tỉnh khá nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Trong khi đó, chỉ số PAPI nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, nhưng không thể vì thế mà sớm hài lòng với kết quả đạt được mà phải luôn nỗ lực để duy trì sự hài lòng của người dân. Bởi khi các địa phương cùng nỗ lực thì chỉ cần đứng tại chỗ, tức là chúng ta đã đi lùi. Và cũng bởi, sự hài lòng của người dân chính là điều kiện tiên quyết để nền hành chính phục vụ được xây dựng hoàn thiện.

Theo Thanh Lâm (Báo Bạc Liêu)