Trong khuôn khổ Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 2/6, đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu đã tham dự Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam” tại Nhật Bản.
Quang cảnh buổi Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam” tại Nhật Bản.
Với chủ đề “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh trong các lĩnh vực công nghệ cao, xuất khẩu thủy sản, năng lượng tái tạo”, tại tọa đàm, bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu đã giới thiệu với các chuyên gia, doanh nghiệp của Nhật Bản về mảnh đất và con người Bạc Liêu; những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội, về hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nguồn nhân lực cùng với chính sách, môi trường đầu tư trên địa bàn… để các doanh nghiệp có thêm thông tin nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Đối với Bạc Liêu, trong nhiều năm qua Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Do đó, thông qua buổi xúc tiến, là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư hai bên trao đổi tìm hiểu, kết nối hợp tác, góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư – thương mại, mở ra những cơ hội, thời cơ hợp tác mới cho địa phương và doanh nghiệp hai nước, đóng góp vào mục tiêu phát triển của các bên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu – Lê Thị Ái Nam đã thông tin đến chính quyền cùng các doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu thông tin: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,6%, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 15 so với cả nước. Tỉnh Bạc Liêu đã xác định phát triển kinh tế – xã hội theo 5 trụ cột và cũng đang tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực này. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam và trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam.
Đến nay, tỉnh thu hút được 11 dự án năng lượng sạch, trong đó 10 dự án nhà máy điện gió với tổng mức đầu tư 33.027 tỷ Việt Nam đồng (tương đương 1,41 tỷ USD), với tổng công suất là 660,2MW; 1 dự án Nhà máy Điện khí LNG có công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Đây được xem là kỳ vọng giúp Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu – Lê Thị Ái Nam tặng quà lưu niệm cho Lê Thị Thu Hằng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, hiện tỉnh đang tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô gần 419ha, có tổng vốn đầu tư 3.217 tỷ Việt Nam đồng. Mục tiêu của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là triển khai các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; từ sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, quy trình nuôi, cho đến chế biến tôm và xuất khẩu; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như: chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật…. phục vụ cho phát triển ngành tôm không chỉ của tỉnh, mà của vùng Bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và đất nước Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bạc Liêu không ngừng tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến một xã hội số, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án. Với những định hướng cụ thể trên, hiện nay tỉnh đã thu hút được 194 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 173 ngàn tỷ đồng (tương đương 7,203 tỷ USD); trong đó, có 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,503 tỷ USD (có 2 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lĩnh vực chế biến thủy sản và năng lượng tái tạo với tổng vốn đầu tư là gần 117 triệu USD). Các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất – kinh doanh tương đối ổn định và có hướng phát triển khá, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu có 196 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – nhà ở; văn hóa, thể thao và du lịch; kết cấu hạ tầng; y tế, giáo dục và môi trường… Để đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; tỉnh rất mong có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo…
Đoàn lãnh đạo Bạc Liêu chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham gia Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam” tại Nhật Bản.
“Với mong muốn hỗ trợ một cách tốt nhất các nhà đầu tư, Bạc Liêu cam kết sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về thủ tục hành chính nhanh gọn; tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất của tỉnh và Luật Đầu tư Việt Nam như cam kết hỗ trợ hạ tầng đến tận chân hàng rào các dự án; hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, đào tạo nguồn lao động địa phương. Bạc Liêu sẽ là một điểm đến mới, tiềm năng lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng tạo ra những bước phát triển mới, giá trị mới và vì một tương lai phát triển bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu – Lê Thị Ái Nam khẳng định.
Tin, ảnh: T.Q