Gần hai phần ba số người tiêu dùng ở châu Âu được hỏi trong một cuộc khảo sát cho biết, họ sẽ cân nhắc mua một chiếc ô tô Trung Quốc, theo báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương Đức.
Căng thẳng EU-Trung Quốc: Bắc Kinh đi nước cờ cản, nhưng thực ra châu Âu đã thua một nước? (Nguồn: Shutterstock.com) |
Theo báo cáo của Chương trình Tagesschau thuộc Đài truyền hình Đức ARD, có tới 59% số người tham gia khảo sát cho biết rằng, việc mua một chiếc ô tô Trung Quốc là một sự lựa chọn của họ.
Thậm chí, giới trẻ ở đây còn có mong muốn mua ô tô Trung Quốc mạnh mẽ hơn cả. Trong số những người trong độ tuổi từ 30 đến 39 tuổi, 74% người được hỏi cho biết, họ quan tâm đến ô tô Trung Quốc; tỷ lệ này là 72% đối với những người từ 18 đến 29 tuổi.
Theo kết quả cuộc khảo sát, khả năng chi trả đóng vai trò chính đối với những người đang cân nhắc mua ô tô Trung Quốc.
Trên thực tế, Báo cáo được công bố bởi Hiệp hội ô tô xe máy Đức (ADAC) vào tháng 4, những chiếc xe mang thương hiệu Trung Quốc đã chứng minh được mức độ an toàn cao, trong bài kiểm tra va chạm của Chương trình thử nghiệm và đánh giá an toàn xe mới chính thức tại châu Âu (NCAP).
Dựa trên các bài kiểm tra của 13 mẫu xe khác nhau từ Trung Quốc và châu Âu trong 3 năm qua, ADAC đã đưa ra kết luận hồi tháng 4/2024 rằng, “các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cải thiện đáng kể về chất lượng và hiện có thể theo kịp các thương hiệu đã thành danh tại khu vực”.
Diến biến mới nhất trong căng thẳng thương mại EU-Trung Quốc – ngày 8/10, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Bắt đầu từ ngày 11/10, các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp một “khoản bảo lãnh tương ứng” cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu các sản phẩm rượu mạnh có nguồn gốc từ EU. Bước leo thang mới này là nhằm đáp trả việc EU trước đó đã thông qua kế hoạch áp thuế lên đến 45% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 31/10, kéo dài ít nhất 5 năm.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán cho đến phút cuối cùng để đáp trả cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện chạy bằng pin được sản xuất tại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào cho biết.
Ông Vương cũng từng nhấn mạnh rằng, thành công trong tương lai của ngành công nghiệp ô tô ở cả Trung Quốc và châu Âu phụ thuộc vào sự hợp tác giữa hai cường quốc kinh tế này tại một cuộc họp bàn tròn ở Brussels, giữa khoảng 30 giám đốc điều hành từ các ngành xe điện của Trung Quốc và châu Âu, nhằm thảo luận về vụ việc chống trợ cấp của EU.
Nhưng Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đã tỏ rõ sự quyết liệt khi đặt câu hỏi lớn về “tính hợp pháp, tuân thủ và công bằng trong cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện Trung Quốc”.
Trong khi đó, là một nền kinh tế thành viên hàng đầu của EU, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck tiết lộ, trong một cuộc họp với ông Vương tại Berlin, Đức đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do và phản đối việc tăng thuế quan do Brussels đề xuất đối với xe điện Trung Quốc. Ông Habeck bày tỏ sự nhiệt tình đối với khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực ô tô của châu Âu.
Phó Thủ tướng Habeck kêu gọi EU có cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn, ông nhấn mạnh, ”Đức sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp EU-Trung Quốc tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên, vì việc leo thang thành xung đột thương mại toàn diện sẽ không phục vụ lợi ích của bất kỳ bên nào”.
Các nhà phân tích nhận định rằng, quyết định áp thuế đối với xe điện Trung Quốc của EU, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối, có thể kìm hãm sự tăng trưởng và hạn chế khả năng tiếp cận của người tiêu dùng châu Âu đối với các mẫu xe điện giá cả phải chăng hơn của Trung Quốc.
Trong khi, ngành công nghiệp ô tô của Đức từ lâu đã phát triển mạnh mẽ trên thị trường mở. Những mức thuế mới này dự kiến sẽ đẩy giá xe Trung Quốc lên cao, làm giảm áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu trong việc phát triển các mẫu xe điện giá cả phải chăng hơn, hiện đang có nguồn cung hạn chế.
Như vậy, EU đã phớt lờ những đề xuất mới từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nhằm giải quyết tranh chấp về xe điện của nước này trên thị trường châu Âu, làm suy yếu những nỗ lực xoa dịu căng thẳng thông qua đối thoại. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, quyết định áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, cũng đã gây ra một làn sóng phản đối mới trong chính nội khối.
Những tiếng nói bất đồng cho rằng, quyết định áp thuế đối với xe điện Trung Quốc thiếu sự ủng hộ nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên EU. “Nhiều người tin rằng đây là bước đi hướng tới cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc, về lâu dài sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu”, nhà phân tích chính trị người Croatia Mladen Plese nhận định.
Chuyên gia ô tô người Đức Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô tô (CAR) tại Bochum, cảnh báo – chủ nghĩa bảo hộ và thuế quan là những chiến lược sai lầm và sẽ gây ra tổn thất cho cả Đức và EU.
Ngoài ra, ở góc nhìn rộng hơn, các chuyên gia EU cảnh báo rằng, ngoài việc làm gián đoạn hoạt động thương mại và hợp tác giữa EU và Trung Quốc, thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho quá trình chuyển đổi theo kế hoạch của EU sang nền kinh tế xanh hơn.
Cựu bộ trưởng Ireland phụ trách các vấn đề châu Âu Dick Roche đã đặt câu hỏi về logic của việc áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc, xét đến các mục tiêu chuyển đổi xanh của EU. “Sự thay đổi về công nghệ sẽ là động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở châu Âu. Dù muốn hay không, Trung Quốc tình cờ là quốc gia đi đầu trong các công nghệ quan trọng đối với tiến trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của châu Âu”, Cựu bộ trưởng Ireland nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cang-thang-eu-trung-quoc-bac-kinh-di-nuoc-co-can-nhung-thuc-ra-chau-au-da-thua-truoc-mot-van-289529.html