Trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 phù hợp với tình hình địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, qua đó góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội.
Việc xây dựng văn hóa, con người trở thành nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… Từ đó đã từng bước có sự gắn kết với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Kạn.
Có thể thấy sự chuyển biến tích cực trong môi trường văn hóa, từ thôn bản, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình ngày càng được nâng cao; Các chuẩn mực, giá trị văn hóa, tri thức con người ngày càng hoàn thiện để đáp ứng với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt những kết quả quan trọng với chất lượng ngày càng nâng lên; Tỷ lệ đạt chuẩn gia đình, cơ quan, trường học, làng, tổ dân phố văn hóa năm sau cao hơn năm trước; Các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở, vùng sâu, xa được tăng cường; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh đã được thu hẹp dần.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đạt được quan tâm; có sự hội nhập và hợp tác quốc tế về văn hóa; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa; hoạt động văn học, nghệ thuật đổi mới, thực tế và hấp dẫn, góp phần tích cực vào xây dựng văn hóa, con người.
Tuy nhiên, việc thực hiện các các mục tiêu của Nghị quyết 33 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy còn hạn chế; việc kiểm tra, giám sát có lúc có nơi chưa thường xuyên; còn một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; nhiều thiết chế văn hóa trọng điểm cấp tỉnh chưa được đầu tư thỏa đáng; một số di tích được xếp hạng đã và đang có nguy cơ bị xuống cấp…