Thời gian qua, tại tỉnh Bắc Kạn, công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua nhiều dự án, chính sách. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang là thách thức, là rào cản đối với mục tiêu tiến bộ xã hội và phát triển bền vững vùng đồng đồng dân tộc thiểu số và miền núi.
Với trên trên 88% số dân là người dân tộc thiểu số, Bắc Kạn đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng y tế, giáo dục, công nghệ thông tin…, tỉnh Bắc Kạn tập trung trển khai các dự án, chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình phát thanh, tờ rơi, biểu ngữ, các cuộc thi, hội thi tìm hiểu… người dân dễ dàng tiếp cận những thông tin về sức khỏe, giới tính, hôn nhân, gia đình, hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điều này góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 235 cặp kết hôn sớm/4.137 cặp đăng ký kết hôn (chiếm 5,6% so với kết hôn đúng độ tuổi); có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Báo cáo cũng chỉ rõ, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, độ tuổi tảo hôn phổ biến từ 16 – 19 tuổi đối với nam và từ 14 – 17 tuổi đối với nữ.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như phong tục, tập quán đã ăn sâu trong nhận thức từ nhiều đời nay của phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số…, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn nhận định còn có nguyên nhân xuất phát từ phương thức lãnh đạo, cách thức tuyên truyền, vận động.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, cơ quan này cho rằng, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn lưu ý chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đúng đối tượng; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở.
Trong công tác tuyên truyền cũng cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Một giải pháp khác cũng được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đề cập là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản.
Ngoài ra cần gắn trách nhiệm giữa chính quyền, nhà trường về quản lý học sinh tại các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý học sinh…