(PLVN) – Dù không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng trên 14%, nhưng Bắc Giang vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất cả nước với 13,85 % trong năm nay.
Báo cáo tại Hội nghị Thông tin báo chí về kết quả thực hiện kinh tế – xã hội năm 2024 được tổ chức sáng nay (6/12), ông Lê Tuấn Phú – Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong năm nay tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm của Bắc Giang ước đạt 13,85%, đứng đầu cả nước. Quy mô GRDP của Bắc Giang được mở rộng, đạt 207 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 4.370 USD, tăng 10,6%, bằng 97,1% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế được đánh giá dịch chuyển theo hướng tích cực.
Ông Mai Sơn – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Minh Hữu) |
Ông Mai Sơn – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, từ năm 2020 đến nay, trừ năm 2021, năm nào Bắc Giang cũng tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.
“Nhịp tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển nhanh, mạnh”, ông Sơn nói và cho biết, có được điều này một phần nhờ những năm qua, bản lĩnh làm việc, trách nhiệm làm việc của công chức, viên chức và doanh nghiệp tại Bắc Giang được phát huy mạnh mẽ.
Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, có được những kết quả trên do sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi đóng góp trên 85% tăng trưởng chung của Bắc Giang. Chỉ số sản xuất (IIP) cả năm tăng 30%. Giá trị sản xuất (GTSX) đạt 705.227 tỷ đồng, vượt 5,9% kế hoạch. Cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 98,5%).
Do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Giang gặp nhiều khó khăn trong năm này, GTSX toàn ngành ước giảm 4,4%. Trong khi đó, ngành dịch vụ của Bắc Giang lại phục hồi và phát triển mạnh mẽ. GTSX toàn ngành này ước tăng 11,6%, đạt 63.514 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2023.
Xuất nhập khẩu của Bắc Giang cũng tăng trưởng ấn tượng khi tổng giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2023, riêng xuất khẩu đạt 33 tỷ USD tăng 20,4%.
Điểm nổi bật của tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang trong năm 2024 là thu ngân sách nhà nước. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh này trong năm nay ước đạt 19.134,5 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao.
“Công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; hiệu quả đầu tư được nâng lên. Giá trị giải ngân cả năm đạt ước đạt trên 9.181 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch”, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang Lê Tuấn Phú nhấn mạnh.
Phát triển kết cấu hạ tầng cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của Bắc Giang trong năm nay. Theo đó, mạng lưới giao thông của địa phương này tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng kết nối, liên kết phát triển. Trong năm 2024, Bắc Giang đã hoàn thành 7 dự án giao thông trọng điểm.
Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được đặc biệt quan tâm. Trong năm 2024, Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3 KCN mới và 2 KCN mở rộng, nâng tổng số KCN đến nay là 11 KCN với diện tích 2.720,72ha.
Công tác quy hoạch, phát triển đô thị được tập trung đầu tư; tỷ lệ dân số đô thị đạt 57,4%, vượt 24,1% kế hoạch. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Dự kiến hết năm 2024, toàn tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện, 159 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 87,36%.
Công tác quy hoạch giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được Bắc Giang thực hiện sớm để đón đầu làn sóng đầu tư FDI. |
Dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội trong năm nay, nhưng Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu hơn 14%); kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững.
Sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời; Công tác đầu tư công còn chậm ở tất cả các khâu, quy trình thực hiện, công tác giải ngân gặp nhiều khó khăn và chậm được khắc phục. Thu hút đầu tư nước ngoài cấp mới đạt thấp, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế…
Tại Hội nghị, trả lời câu hỏi của phóng viên PLVN về kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bắc Giang – một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước trong những năm qua, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua có làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Bắc Giang đã có những chính sách đón đầu các nhà đầu tư, thu hút vốn. Tỉnh đã chuẩn bị sẵn hạ tầng, nhất là hạ tầng về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông, xây dựng, điện…
Đặc biệt, vấn đề quy hoạch được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang quan tâm và thực hiện từ rất sớm, nhất là quy hoạch về đất đai, giao thông, hạ tầng điện, khu – cụm công nghiệp.
Ngoài ra, Bắc Giang đã sớm lập ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục. Lãnh tỉnh Bắc Giang cũng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, từ đó chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp trên tinh thần không có khó khăn nào không được giải quyết.
“Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư FDI, địa chính trị cũng là yếu tố quan trọng, Bắc Giang có lợi thế này. Ngoài vấn đề địa lý thì việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cũng là những yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Giang nói.
Nguồn: https://baophapluat.vn/bac-giang-ly-giai-toc-do-tang-truong-kinh-te-tiep-tuc-cao-nhat-ca-nuoc-post533977.html