Như vậy, theo ông Nguyễn Đại Lượng, huyện Việt Yên lên thị xã sớm hơn kế hoạch đề ra khoảng 1 năm. Sau khi thành lập, thị xã Việt Yên có 17 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 9 phường và 8 xã).

Khi huyện Việt Yên lên thị xã, tỉnh Bắc Giang sẽ có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến huyết mạch đi qua như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, quốc lộ 17, quốc lộ 37, tuyến đường sắt Bắc Nam.

W-chu-tich-viet-yen-1.jpg
Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Với khát vọng phát triển và sớm đưa huyện Việt Yên trở thành thị xã, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp,các ngành, huy động cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, để đạt được kết quả đó, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đồng lòng xây dựng Việt Yên trở thành thị xã sớm hơn mục tiêu đề ra.

W-quang-truong-viet-yen-1.jpg
Diện mạo đô thị của huyện Việt Yên ngày càng được đầu tư nâng cấp.

“Sau nửa nhiệm kỳ 2020-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, huyện Việt Yên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo sự đột phá, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực về thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất các thành phần kinh tế…. năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của Việt Yên luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh”, ông Lượng cho hay.

Theo ông Lượng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt 39% dự toán (thu trừ đất vượt 38% dự toán); tỷ lệ tự cân đối thu chi ngân sách huyện đạt 110%.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện Việt Yên đạt 69,7 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 1,2 lần (bình quân chung toàn tỉnh Bắc Giang, đạt 58,1 triệu đồng/người/năm).

W-nha-hanh-chinh-viet-yen-1.jpg
Trung tâm hành chính huyện Việt Yên hiện nay.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 trên địa bàn huyện Việt Yên đã được kỳ họp thứ 17 HĐND huyện thông qua, tổng giá trị sản xuất các thành phần kinh tế theo giá hiện hành là 545.463 tỷ đồng.

“Để có kết quả đó, chúng tôi đã tiên phong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các nguồn lực ngoài ngân sách, ngoài ra tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp tăng thu ngân sách; tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu; quan tâm tạo vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất ngay năm đầu nhiệm kỳ”, ông Lượng nhấn mạnh.

W-viet-yen-khu-cong-nghiep-1.jpg
Huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang. Có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội.
W-duong-viet-yen-s-1.jpg
Trong thời gian tới, huyện Việt Yên tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở công nhân để tăng mật độ dân số, tạo nền tảng phát triển dịch vụ, từng bước hoàn thiện tiêu chí nâng cấp lên đô thị loại III.

Theo ông Lượng, để Việt Yên sau khi lên thị xã phát triển xanh, sạch, đẹp, thông minh… huyện đã phát động phong trào làm mới, cải tạo mở rộng đường giao thông nông thôn được 224 km; trong đó riêng năm 2022 là 165km theo Đề án “Hỗ trợ mở rộng, cải tạo, nâng cấp đường trục thôn, đường ngõ trên địa bàn huyện”.

“Hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từng bước đồng bộ; tỷ lệ cứng hóa đường huyện, trục xã đạt 100%, ngõ xóm đạt trên 96%; có 395,8km đường trục chính nội đồng; đầu tư chiếu sáng thêm 261,6 km đường; tỷ lệ tuyến đường chính được chiếu sáng đạt 97,2%(vượt 7,2% tiêu chí thị xã) và tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng đạt 83% (vượt 8% tiêu chí thị xã)”, ông Lượng cho hay.