Ngày 12/12, Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố báo cáo cho thấy, nhiệt độ không khí bề mặt ở Bắc Cực mùa Hè năm 2023 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Diện tích băng biển ở Bắc Cực tiếp tục giảm trong những năm gần đây. (Nguồn: AFP) |
Trong báo cáo đánh giá thường niên về khí hậu Bắc Cực, NOAA cho biết, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực từ tháng 7-9 năm nay là 6,4 độ C, mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1900.
Nhiệt độ trung bình mùa Hè ở Bắc Cực đã tăng 0,17 độ C mỗi thập niên. Nhìn chung, 2023 là năm ấm thứ 6 được ghi nhận ở khu vực này.
Diện tích băng biển cũng tiếp tục giảm, trong đó các tháng 9 của 17 năm trở lại đây chứng kiến lượng băng biển thấp kỷ lục.
Báo cáo của NOAA dẫn những dữ liệu về mức tăng kỷ lục của nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu trong năm 2023, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các hoạt động của con người.
Theo NOAA, nhiệt độ toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư trên khắp Bắc Cực, khiến khu vực này ngày càng ấm hơn, ít băng giá hơn và hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn.
Cơ quan khí tượng của Mỹ cho rằng, số lượng cá hồi Tây Alaska đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong giai đoạn 2021-2022, với nguyên nhân được cho là do sự thay đổi khí hậu trong hệ sinh thái biển.
Người đứng đầu NOAA, ông Rick Spinrad, nhấn mạnh, báo cáo về khí hậu Bắc Cực năm nay cho thấy “đã đến lúc phải hành động”. Theo ông, NOAA và các đối tác đã tăng cường hỗ trợ và hợp tác với các cộng đồng ở Bắc Cực để giúp xây dựng khả năng phục hồi khí hậu.
Ông Spinrad cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cắt giảm lượng khí thải nhà kính – vốn là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.