Thưa bà, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Áo, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo đã triển khai những hoạt động gì?
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo đã phối hợp với Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, tham dự đầy đủ các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương với hệ thống thương vụ định kỳ hàng tháng, nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp sở tại.
Bà Đinh Thị Hoàng Yến – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo |
Năm 2022, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, mặc dù mới nhận bàn giao trong thời gian rất ngắn và trong bối cảnh nhiều cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo bị Covid-19, Thương vụ đã được Đại sứ giao nhiệm vụ phối hợp với Phòng Kinh tế Liên bang Áo (WKO) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Áo vào ngày 29/9/2024 tại Áo và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Slovenia ngày 03/10/2022 tại Slovenia cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sang thăm chính thức Áo.
Tháng 10/2022, Thương vụ đã về Việt Nam tham dự chương trình Diễn đàn Kinh tế do Bang Styria, Áo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ Tập đoàn Mai Linh ký kết Biên bản thoả thuận hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp Áo.
Thương vụ còn biên tập và xuất bản ấn phẩm đầu tiên về thị trường Áo, làm tài liệu nghiên cứu thị trường hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, Thương vụ đã kết nối để đưa các mặt hàng Việt Nam trực tiếp vào Áo, không nhập khẩu qua một nước trung gian như gạo Lộc Trời, nước dừa Lương Qưới… Năm 2024, thương vụ đã hỗ trợ quảng bá bia Habeco tại Lễ hội Té nước năm mới của Thái Lan tổ chức tại Toà thị chính thành phố Vienne (Áo) và sự kiện văn hoá ẩm thực đường phố Áo và các nước châu Á tại đảo Donauinsel, thành phố Vienne.
Trong quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đó, đâu là những câu chuyện kết nối thị trường làm bà ấn tượng?
Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại Áo, trong đó có một trường hợp của Công ty Sống trẻ mãi (LFY) thực sự ấn tượng. Đây là một công ty gia đình Áo trong lĩnh vực dược, kết hợp với một nhóm các nhà khoa học trẻ Việt Nam nghiên cứu chế biến các sản phẩm thuốc cổ truyền của Việt Nam và phát triển công nghệ sản xuất dựa trên nguyên liệu sẵn có, tốt cho sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Đó là các sản phẩm tự nhiên vô cùng quen thuộc của Việt Nam như: Tỏi, gừng, nghệ, chanh, bưởi, gấc; rễ và trái cây lên men giàu enzyme tự nhiên, vi khuẩn sinh học và các hợp chất hoạt tính sinh học, có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa, cải thiện sức khỏe; sản phẩm lên men trái cây bằng mật ong, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào, tạo nên hương vị độc đáo…
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Thương vụ đã mời LFY tham dự Diễn đoàn doanh nghiệp Việt Nam – Áo tổ chức vào tháng 1/2024 và hỗ trợ LFY tìm hiểu các quy định nhập khẩu các sản phẩm này vào EU, hiện được xếp vào nhóm thực phẩm mới (Novel Food). Hiện LFY đã có mặt tại thị trường Áo và trong tương lai gần sẽ đăng ký hơn 10 sản phẩm để lưu hành tại Áo. LFY mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất, xuất khẩu vào Áo và Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động này.
Thương vụ Việt Nam tại Áo dẫn doanh nghiệp thu mua tham dự Sourcing Viet Nam 2024 do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 06-08/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh |
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Áo trong thời gian tới, theo bà, doanh nghiệp cần chú ý những điều gì? Thương vụ sẽ triển khai những giải pháp ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp?
Năm 2023, theo số liệu thống kê của Áo, Việt Nam đứng thứ 23 về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Áo, với trị giá 1,4 tỷ Euro, tăng 2,5% so với năm 2022 và chiếm thị phần 0,7%, trên cả Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 57 về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Áo với trị giá chỉ 206 triệu Euro, giảm 9,1% với thị phần 0,1%. Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu của Áo từ Việt Nam đạt 405,6 triệu Euro, tăng 8% còn xuất khẩu của Áo sang Việt Nam đạt 51,2 triệu Euro, tăng 2,7%.
Còn theo số liệu thống kê của Việt Nam, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam – Áo là 2,93 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,54 tỷ USD, tăng 3,2% còn nhập khẩu đạt 393 triệu USD, tăng 17,5%. Thặng dư thương mại là 2,14 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam.
Theo số liệu hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Áo đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư 726,6 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu đạt 884,1 triệu USD giảm 20,8% còn nhập khẩu đạt 157,5 triệu USD, giảm 0,6%.
Như vậy, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Áo, các thiết bị viễn thông, điện thoại di động chiếm một tỷ trọng lớn. Một số mặt hàng Áo đang nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là cà phê chưa rang (từ Việt Nam, Brazin và Honduras), cà phê đã rang (từ Đức, Ý) do Áo là nước có văn hoá uống cà phê được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và có ngành du lịch phát triển. Thuỷ hải sản tươi và đông lạnh của Việt Nam cũng là mặt hàng Áo quan tâm do Áo không có biển.
Mới đây, Thương vụ đã trực tiếp dẫn doanh nghiệp thu mua tham dự Sourcing Viet Nam 2024 do Vụ thị trường châu Âu châu Mỹ – Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 06-08/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tiếp cận nguồn hàng từ Việt Nam. Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam vào thị trường Áo.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://congthuong.vn/bac-cau-cho-hang-viet-nam-vao-thi-truong-ao-332945.html