Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến Trung Quốc với hy vọng khởi động lại mối quan hệ đã xấu đi trong nhiều năm qua, đặc biệt sau những căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, khinh khí cầu được cho là do thám của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ, cũng như các biện pháp hạn chế thương mại của cả hai bên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo khi kết thúc chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc hôm 9/7, bà Yellen cho biết, cuộc hội đàm của bà với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đánh dấu một bước tiến trong nỗ lực ổn định quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp những bất đồng đáng kể giữa hai bên.
“Chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai nước chúng ta cùng phát triển”, bà Yellen nói.
Mục tiêu hàng đầu
Trong chuyến thăm đầu tiên sang Trung Quốc với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Yellen đã gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Bộ trưởng tài chính Lưu Côn và Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng.
Ngoài ông Phan Công Thắng vừa mới được bổ nhiệm, 3 vị lãnh đạo còn lại đều nhậm chức cuối năm ngoái, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.
Trên thực tế, việc mở rộng liên lạc với đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc là một trong những mục tiêu hàng đầu của bà Yellen cũng như phái đoàn của bà. Do đó, các cuộc hội đàm kéo dài 10 giờ với 4 nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu dưới trướng ông Tập, đặc biệt là ông Hà Lập Phong, được cho là thành tựu lớn nhất mà họ đã đạt được.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã tổ chức nhiều vòng đàm phán ngoại giao cấp cao với Trung Quốc, nhưng đây là những cuộc đàm phán kinh tế đầu tiên như vậy dưới thời chính quyền mới này.
Ông Scott Kennedy, một chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Thành quả của cuộc gặp là bản thân cuộc gặp, chứ không phải các vấn đề cụ thể. Chúng tôi đang bắt đầu ở thời điểm mà 2 bên hầu như không nói chuyện với nhau trong 3 năm rưỡi và mức độ ngờ vực và hoài nghi đã chồng chất quá dày”.
Theo ông Kenedy, điều quan trọng là bà Yellen, ông Hà Lập Phong và các quan chức Trung Quốc khác có thể tổ chức các cuộc thảo luận thực chất về những khác biệt chính sách sau nhiều năm bất đồng về đại dịch Covid-19, thuế quan, an ninh quốc gia, hạn chế thương mại và những khó khăn ngày càng tăng đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Bà Yellen tuyên bố, hai bên sẽ theo đuổi việc liên lạc thường xuyên hơn ở các cấp cao nhất, bởi việc cải thiện đối thoại là cách để ngăn chặn sự ngờ vực và làm rạn nứt mối quan hệ mà bà gọi là “một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của thời đại này”.
Chuyến thăm của bà Yellen diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là một phần trong nỗ lực “hâm nóng” mối quan hệ đang đóng băng sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu được cho là do thám của chính phủ Trung Quốc trên bầu trời Mỹ.
Cả 2 chuyến thăm này cũng mở đường cho cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bìn, dự kiến diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng 9 tại New Delhi hoặc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến vào tháng 11 tại San Francisco.
Bất đồng đáng kể
Mặc dù chuyến thăm của bà Yellen được coi là một bước tích cực trong mối quan hệ giữa hai siêu cường, nhiều chuyên gia ở cả Trung Quốc và Mỹ đều cảnh báo không nên kỳ vọng nhiều thay đổi sẽ diễn ra sau đó.
Bà Yellen đã trở lại Washington hôm 9/7 mà không có thông báo nào về những bước đột phá hay thỏa thuận nhằm hàn gắn những rạn nứt dai dẳng giữa hai quốc gia.
“Chuyến đi của bà Yellen có thể sẽ làm hạ nhiệt những căng thẳng trong mối quan hệ kinh tế và nhắc nhở cả Mỹ và Trung Quốc rằng họ có chung một số lợi ích thương mại, ngay cả khi suy yếu, và họ cần nói chuyện thấu đáo”, ông Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, với những lo ngại về an ninh quốc gia ở cả hai nước cũng như nhận thức của Trung Quốc rằng Mỹ tìm cách kiềm chế sự phát triển kinh tế của họ, “chuyến đi của bà Yellen sẽ khó thay đổi động lực và quỹ đạo cơ bản của mối quan hệ kinh tế”, theo ông Sobel.
Bà Yellen và các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra những bất đồng đáng kể và nói về những lo ngại của Mỹ đối với “các hoạt động kinh tế không công bằng” của Trung Quốc, cũng như các hành động trừng phạt gần đây đối với các công ty Mỹ, bao gồm cả những hạn chế đối với các kim loại bán dẫn quan trọng.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng chỉ trích việc Tổng thống Joe Biden xem xét một sắc lệnh nhằm chặn các khoản đầu tư hàng tỷ USD từ Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc.
Theo bà Yellen, các biện pháp đó sẽ được nhắm mục tiêu vào một số lĩnh vực nhất định, không nhằm mục đích gây ảnh hưởng rộng rãi đến nền kinh tế Trung Quốc. Bà cũng cam kết rằng bất kỳ hạn chế đầu tư nào do Bộ Tài chính quản lý cũng sẽ được định hướng rõ ràng trong phạm vi hẹp vào một số lĩnh vực mà họ có những lo ngại cụ thể về an ninh quốc gia.
Chính quyền Mỹ cũng khẳng định rằng những hạn chế gần đây mà họ đặt ra đối với việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, đặc biệt là các chất bán dẫn tiên tiến nhất, chỉ tập trung vào an ninh quân sự của Mỹ. Họ cũng mô tả các hành động của mình là xây dựng một hàng rào cao chỉ bao quanh một sân công nghệ nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều người ở Trung Quốc vẫn bày tỏ sự hoài nghi. “Khi Mỹ trình bày các chính sách “chỉ vì an ninh quốc gia, thì câu hỏi đặt ra là phạm vi an ninh quốc gia lớn đến mức nào””, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải Wu Xinbo cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, Reuters, The Guardian)