‘Con voi chui lọt lỗ kim’
Nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo cũng như thao túng quyền lực của một cá nhân hoặc một nhóm cổ đông tại TCTD, đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự thảo đưa ra những quy định siết chặt tình trạng sở hữu chéo bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa từ 5% xuống 3% đối với cổ đông cá nhân, từ 15% xuống 10% đối với cổ đông tổ chức.
Dự thảo cũng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.
Vụ việc xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) càng cho thấy tính cấp thiết của việc sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, điều cần thiết hơn cả là công tác giám sát của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước.
Theo kết luận của cơ quan CSĐT trong vụ SCB, mặc dù không nắm giữ chức vụ gì tại SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã gián tiếp nắm giữ tới 91,54% cổ phần tại ngân hàng này thông qua việc nhờ các cá nhân và tổ chức đứng tên sở hữu.
Việc sở hữu gần như tuyệt đối cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan đã giúp bà này nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Từ đó, biến SCB thành công cụ tài chính để huy động tiền gửi, chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng và hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập hàng nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm sử dụng trái mục đích, chiếm đoạt tiền sử dụng cá nhân.
Thực tế bài học về một cá nhân nắm quyền lực tuyệt đối tại một tổ chức tín dụng (TCTD) đã từng xảy ra trong quá khứ đối với OceanBank, CBBank. Hậu quả của việc này rất nghiêm trọng, kéo dài.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI, cho rằng, vụ việc bà Trương Mỹ Lan sở hữu trên 90% cổ phần tại SCB thông qua các cá nhân và pháp nhân là hoàn toàn sai so với quy định của Luật các TCTD.
“Cho dù về mặt câu chữ có thể bà Lan không liên quan đến các cá nhân, tổ chức được bà nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, nhưng việc sở hữu vượt quá tỷ lệ tại một TCTD theo quy định là vẫn sai trong mọi trường hợp”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Việc NHNN muốn siết chặt quy định về sở hữu chéo trong các TCTD không nằm ngoài mục tiêu ngăn chặn rủi ro cho cả hệ thống. Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, sở hữu chéo là một trong những vấn đề lớn của hệ thống tài chính Việt Nam. Thực tế, điều này xảy ra với rất nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ với Việt Nam. Do đó, một trong những công cụ quan trọng là yêu cầu các TCTD đảm bảo điều kiện về an toàn vốn, công khai minh bạch, quản trị rủi ro,…
“Một khi đã công khai minh bạch, việc sở hữu chéo bên trong ngân hàng cũng sẽ giảm”, TS. Huỳnh Thế Du nói.
TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh, vấn đề là làm sao để truy xuất nguồn gốc tài sản, việc minh bạch thông tin làm sao để bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu được “cổ phần của ông A có dính dáng tới doanh nghiệp B, doanh nghiệp C, hoặc thậm chí doanh nghiệp X, Y, Z” hay không.
Khó quản lý nếu cổ đông lớn cố tình che giấu
Trong báo cáo của NHNN gửi Quốc hội về kết quả ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD, NHNN thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Báo cáo của NHNN chỉ rõ việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, trong khi đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các TCTD nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.
Đồng thời, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.
Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn… Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, NHNN đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCTD; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của TCTD… ).
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.