Khóa bơi 8 ngày
Sáu Thia kể bà sống một mình, không lập gia đình nên thường xuyên tham gia công tác xã hội và sinh hoạt trong Hội Phụ nữ xã Hưng Thạnh. Khi địa phương cần người dạy bơi để phòng chống nạn trẻ em đuối nước, bà được Hội “chọn mặt gửi vàng”.
“Nghe mấy chị nói, tối về tôi suy nghĩ đây là công việc chưa ai làm không biết mình có làm được không. Thấy tình trạng đuối nước ở trẻ em hay xảy ra, chủ yếu do không biết bơi, nên tôi quyết định nhận lời dạy bơi cũng vì tình thương đối với trẻ em ở quê”, bà Sáu Thia nói.
Ban đầu tổ chức dạy bơi, bà Sáu Thia cùng các ban ngành xã Hưng Thạnh cắm cây ở những khúc sông thích hợp, nước không ít cũng không nhiều và không chảy xiết để làm khung cho trẻ em tập bơi an toàn. Rồi bà đi vận động gia đình cho con em theo học bơi. Nhiều người ban đầu nghi ngờ về khả năng dạy bơi của “cô giáo” quê, nhưng khi đến trực tiếp xem bà dùng tay ôm nâng để từng em đạp nước tiến về phía trước và ân cần hướng dẫn cụ thể cách ngụp lặn sao cho an toàn thì phụ huynh nào cũng an tâm.
Nhiều em được bà dìu dắt chỉ 3 – 4 ngày đã có thể tự tin bơi một mình. Lứa học trò đầu tiên gồm 14 em từ 6 – 15 tuổi, là con em các gia đình lao động nghèo ở các ấp của xã Hưng Thạnh đã “tốt nghiệp” khóa học bơi dài 8 ngày miễn phí.
“Các học trò của tôi được huyện vô kiểm tra thì đều biết bơi đạt yêu cầu. Cứ thế, học trò ngày càng tăng, từ 14 em/lớp, dần tăng lên 18 – 20 em/lớp, rồi hơn 20 em/lớp. Học trò không chỉ ở xã Hưng Thạnh mà còn ở các xã giáp ranh. Đến nay, tính ra đã hơn 5.000 em được tôi dạy biết bơi. Tôi rất tự hào, nhờ biết bơi mà không em nào bị chết đuối, lớn lên đi bộ đội, làm công ty, lập gia đình. Nhiều đứa đi làm ăn xa, thấy tôi khó khăn lại ở một mình nên lễ tết về quê là ghé nhà cho tiền để dành”, bà Sáu Thia kể.
“Bà Sáu cũng dạy bơi cho cha con”
Sau một thời gian cắm cây dạy bơi dưới sông, năm 2016, có nhà hảo tâm tài trợ cho bà Sáu Thia hồ bơi bằng nhựa đặt tại Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã Hưng Thạnh, góp phần giúp việc dạy bơi của bà an toàn và đỡ vất vả hơn.
Có mặt trong lớp dạy bơi được khai giảng vào cuối tháng 5.2023, chúng tôi rất khâm phục kỹ năng và tấm lòng của bà Sáu Thia. Cách dạy thực tế, rất gần gũi, từng lỗi của các em được bà chỉ ra để tự khắc phục. Đặc biệt, hoàn cảnh của từng em được bà nhớ rõ, em nào bỏ học một buổi là “cô giáo U.70” gọi lên nhắc nhở, phê bình để các em đi học đều và mau biết bơi.
Bé Cao Nguyên (11 tuổi) cho biết: “Con rất thích học bơi nhưng cha mẹ không có thời gian dạy nên con xin ra bà Sáu học. Bà Sáu dạy rất dễ hiểu, con học chỉ 1 ngày là đã biết bơi. Trước đây bà Sáu cũng dạy cho cha con và anh hai của con biết bơi”.
Tôi tìm người có thể tiếp nối tôi dạy bơi cho các cháu. Đối với phụ nữ, họ còn gia đình, không thể bỏ thời gian hết cho các cháu, còn chọn được nam thì họ đòi phải trả tiền mới nhận dạy. Hiện tại, tôi nhờ chính quyền tìm người nối nghiệp dạy bơi miễn phí này. Trong lúc địa phương chưa tìm được người, tôi sẽ tiếp tục dạy cho các cháu cho đến khi nào không còn dạy được mới thôi.
Bà Trần Thị Kim Thia (Sáu Thia)
Sống ở vùng kênh rạch chằng chịt, không an tâm khi 2 con không biết bơi nên anh Lê Hồng Đức (ở ấp 6 Kinh Hội, xã Trường Xuân) tranh thủ ngày 2 buổi đưa 2 bé Lê Hồng Hoa (13 tuổi) và Lê Hồng Tiến (11 tuổi) đến lớp dạy bơi của bà Sáu Thia. “Tôi rất tin tưởng giao 2 con cho cô Sáu Thia. Sống ở vùng sông nước mà tụi nhỏ không biết bơi tôi rất lo. Ở quê kiếm được nơi dạy bơi cho các cháu rất khó, may mà có lớp dạy bơi của cô Sáu Thia. Tôi cảm ơn tấm lòng của cô vì chỉ sau mấy ngày học là 2 cháu nhà tôi đã biết bơi”, anh Đức nói.
Bà Sáu Thia cho biết điều hạnh phúc đối với bà là sau thời gian gắn bó, dạy bơi cho hàng ngàn trẻ em ở địa phương, phụ huynh rất tin tưởng bà. Nhiều phụ huynh có con nhỏ 2 – 3 tuổi “đặt hàng” vài năm nữa khi con họ lớn sẽ mang gửi cho bà tập bơi. “Thấy mấy đứa nhỏ nhờ tôi dạy mà biết bơi, tôi an tâm vì bọn trẻ đã ngừa được đuối nước. Tôi thấy vui vì mình đang góp phần vào công tác an sinh xã hội của địa phương”, bà nói thêm.
Bán vé số lấy tiền mua đồ bơi tặng trẻ
Những lúc không dạy bơi, hằng ngày bà Sáu Thia đi bán vé số mưu sinh. Trung bình, mỗi ngày bà bán được 200 tờ vé số, lời 200.000 đồng. Số tiền này bà không để cho riêng mình mà dành dụm mua đồ bơi để tặng học trò nhằm khích lệ. Đến nay, số quần áo bơi bà mua tặng trẻ em đã hơn 100 bộ.
“Mỗi ngày, tôi 2 bữa cơm đạm bạc là đủ nên dành dụm tiền mua tặng các cháu đồ bơi cho vui. Nghe tôi đặt đồ tặng học trò học bơi, chỗ bán đồ cũng bán rẻ, chỗ in logo cũng giảm giá. Tôi rất vui vì cộng đồng chung tay với mình dạy bơi cho các cháu”, bà Sáu Thia nói.
Bà cho hay gánh nặng tuổi tác không cho phép bà dạy bơi tốt như trước, nhất là đôi mắt không còn sáng. Tương lai lớp dạy bơi không biết sắp tới sẽ ra sao bởi chưa tìm được ai có thể hội đủ cái tâm như bà đối với việc dạy bơi cho trẻ.
“Tôi tìm người có thể tiếp nối tôi dạy bơi cho các cháu. Đối với phụ nữ, họ còn gia đình, không thể bỏ thời gian hết cho các cháu, còn chọn được nam thì họ đòi phải trả tiền mới nhận dạy. Hiện tại, tôi nhờ chính quyền tìm người nối nghiệp dạy bơi miễn phí này. Trong lúc địa phương chưa tìm được người, tôi sẽ tiếp tục dạy cho các cháu cho đến khi nào không còn dạy được mới thôi”, bà Sáu Thia chia sẻ.
Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh: “Xã Hưng Thạnh là vùng rốn lũ nên nguy cơ đuối nước ở trẻ em rất cao. Từ khi bà Sáu Thia thực hiện công việc dạy bơi miễn phí đến nay thì ở xã không xảy ra tình trạng đuối nước. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được phổ cập bơi của xã hằng năm luôn đạt trên 95%. Việc làm của bà Sáu Thia đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Chúng tôi rất trân trọng hoạt động dạy bơi của bà”.
Bà Trần Thị Kim Thia (Sáu Thia) đã nhận được nhiều khen thưởng. Trong đó, năm 2020, bà vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong dạy bơi miễn phí cho trẻ em và nhiều bằng khen của địa phương. Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn bà vào top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.