Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn 

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên phát triển du lịch, thu hút khách du lịch đến tỉnh thông qua các chương trình, sự kiện xây dựng thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực  tăng nhận thức và hành động của ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

bài 2.jpg
 Du lịch được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Bình Minh

Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng lượng khách du lịch từ 16 – 18%/năm; doanh thu từ các hoạt động du lịch tăng bình quân 18 – 20%/năm; tăng thời gian lưu trú của khách du lịch từ bình quân 1,8 ngày lên 2,4 ngày, mức chi tiêu tăng lên khoảng 4,3 triệu đồng/người. 

Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu du lịch đóng góp khoảng 14 – 15% giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ và khoảng 4,2 – 4,5% GRDP (không bao gồm dầu khí) của tỉnh vào năm 2025; đóng góp khoảng 18 – 20% giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ và khoảng 5,5 – 6,0% GRDP của tỉnh vào năm 2030. 

Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến hình thành và phát triển thương hiệu du lịch của địa phương với hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

4 trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch đến năm 2030

Trong Kế hoạch số 192, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ra 4 nội dung trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch đến năm 2030 của địa phương.

Thứ nhất, phổ biến, quán triệt, triển khai công tác phát triển du lịch trên địa bàn đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp. 

Thứ hai, xây dựng thương hiệu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu mang đẳng cấp quốc gia, quốc tế. 

Thương hiệu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển gắn với 8 loại hình du lịch, dịch vụ gồm: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội thảo (MICE); du lịch thể thao; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch vui chơi giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chữa bệnh. 

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tập trung làm mới các sản phẩm hiện có, hướng tới các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng; hình thành và phát triển bộ nhận diện thương hiệu du lịch (logo và slogan) của tỉnh.

Thứ ba, tổ chức các chương trình, sự kiện đẳng cấp quốc gia, quốc tế thu hút du lịch. Tỉnh hướng đổi mới, đa dạng hóa hình thức tổ chức các lễ hội, sự kiện thường niên quy mô lớn mang đẳng cấp quốc gia, quốc tế với thời gian từ 3 – 7 ngày; tập trung vào các dịp lễ, Tết, sau Tết, Noel, hè và các ngày lễ kỷ niệm trong năm. 

Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đẩy mạnh công tác xã hội hoá, kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phối hợp tổ chức các sự kiện, lễ hội của tỉnh. 

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế theo giai đoạn từ nay đến năm 2030 gắn với việc tổ chức các sự kiện, lễ hội; nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch; thúc đẩy các ngành lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững, khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. 

Tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyền thông, xây dựng và phát triển fanpape của riêng ngành du lịch để truyền thông cho các sự kiện, lễ hội trong nước và quốc tế.

Thứ tư, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch tàu biển. Tỉnh đẩy mạnh công tác đón khách quốc tế tàu biển đến Bà Rịa – Vũng Tàu, xây dựng các sản phẩm truyền thông giới thiệu tour du lịch tàu biển đặt tại các quầy thông tin, phát chiếu trên màn hình giải trí của các tàu khách quốc tế. 

Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tích cực tham gia xúc tiến du lịch tàu biển tại các hội chợ quốc tế, đặc biệt là hội chợ du lịch chuyên ngành tàu biển tại các thị trường trọng điểm nhằm giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, mở ra cơ hội hợp tác đưa đón khách du lịch. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng dự án cảng tàu khách quốc tế. 

Bình Minh