Các yếu tố để phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển

Ngày 1/12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “ Khu thương mại tự do – Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”, ông Phạm Quang Nhật – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bài tham luận phân tích về tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại địa phương. Theo ông Nhật, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 yếu tố nội lực và 3 yếu tố ngoại lực giúp xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển.

Theo đó, 5 yếu tố nội lực gồm: vị trí địa lý; hạ tầng cảng biển container; hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức; hậu phương công nghiệp vùng đông nam bộ; và sự năng động của chính quyền địa phương. 3 yếu tố ngoại lực gồm: xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, dòng thương mại toàn cầu; xu hướng gia tăng kích thước tàu; và gia tăng nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển. 

bài 1.jpg
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển. Ảnh: Bình Minh

Theo ông Phạm Quang Nhật, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư. Vùng đất sau cảng tại khu vực Cái Mép Hạ cho phép phát triển hơn 1.000ha. Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052ha, đất công nghiệp phân bổ chỉ tiêu sử dụng là 10.755ha.

Đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút gần 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 50 tỷ USD, trong đó có hơn 490 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư khoảng 34 tỷ USD. Đặc biệt, tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, năng suất lao động cao gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước.

Thông qua diễn đàn lần này, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn lắng nghe thật nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện các hãng tàu… để địa phương có thể thúc đẩy phát triển ngành logistics. Đồng thời tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để sớm hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Chú trọng mũi nhọn logistics 

Với nhiều điều kiện thuận lợi như: hệ thống giao thông kết nối các cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng) và các khu công nghiệp lớn, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính quyền địa phương đã và đang tập trung phát triển ngành logistics thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế biển.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam bộ.

Hiện vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đông Nam Bộ đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái tại TP.HCM và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dịch vụ logistics quốc tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, mạnh và đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của cả nước.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “ Khu thương mại tự do – Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” vừa được Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tại huyện Xuyên Mộc. 

Những chủ đề chính của diễn đàn gồm: Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam bộ; Xu hướng phát triển khu thương mại tự do – Cơ hội và khuyến nghị cho ngành Logistics Việt Nam…

Bình Minh