Ngày 4.9, Sở Giáo dục tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sẽ triển khai giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 lớp cuối cấp trong năm học 2024-2025 theo tài liệu mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quyết định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sử dụng trong cơ sở giáo dục tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 23 và 26.8.
Trong đó, tài liệu giáo dục địa phương mới được phê duyệt lớp 5 bao gồm 47 trang; lớp 9 bao gồm 75 trang; lớp 12 bao gồm 76 trang (không tính bìa), với những nội dung giúp cho cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu biết có tính hệ thống về văn hóa, lịch sử truyền thống; các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp; các vấn đề về chính trị – xã hội, môi trường… của Bà Rịa-Vũng Tàu theo nội dung giáo dục địa phương quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi có các quyết định phê duyệt, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai trên toàn tỉnh, áp dụng từ năm học mới 2024-2025.
Chẳng hạn, thành lập các tổ báo cáo viên tập huấn; tổ chức các lớp tập huấn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9 và 12 trên toàn tỉnh nhằm để cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục nắm vững tổng quan; sử dụng tài liệu giáo dục địa phương để xây dựng kế hoạch, vận dụng được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng tích hợp.
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và đào tạo; các trường THPT xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nội dung giáo dục địa phương; bảo đảm 35 tiết/năm học ở các lớp 9 và 12; cũng như phân công giáo viên giảng dạy phù hợp…
“Đây là năm đầu tiên triển khai bộ môn giáo dục địa phương ở 3 cấp học này theo tài liệu mới được phê duyệt, và theo đúng tiến độ quy định. Như vậy, toàn bộ tài liệu giáo dục địa phương ở các cấp học trên địa bàn cũng đã được hoàn thiện đưa vào chương trình giảng dạy”, ông Nguyễn Văn Ba – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh – cho biết.
Nội dung giáo dục của địa phương:
Là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước.
Qua đó trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Trong đó, nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có nội dung giáo dục tương đương các môn học khác.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/ba-ria-vung-tau-ap-dung-giao-duc-dia-phuong-o-3-lop-cuoi-cap-1389091.ldo