Trong phiên giao dịch ngày 23/7, cổ phiếu QCG của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, tiếp tục bị bán tháo phiên thứ 8 liên tiếp, trong đó có 4 phiên sàn và 2 phiên gần sàn.

QCG bị bán tháo từ ngay đầu phiên và dư bán ở mức gần 7 triệu đơn vị. Khối lượng khớp lệnh khá thấp, chỉ hơn 320 nghìn đơn vị, tương đương giá trị khoảng hơn 2,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu QCG bị bán tháo sau khi CEO Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam liên quan tới việc mua bán đất vàng từ nhiều năm trước và nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) trước đây tại doanh nghiệp này.

Ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Như Loan (64 tuổi) bị khởi tố và tạm giam để phục vụ điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án đất vàng 39-39B Bến Vân Đồn tại TP.HCM.

Tình hình giao dịch của cổ phiếu QCG là khá bi đát khi nhà đầu tư tháo chạy rất nhiều nhưng không có người mua. Trước khi có thông tin bà Loan bị khởi tố, QCG giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi phiên, gấp 5-50 lần so với mức giao dịch trong 2 phiên vừa qua.

Việc bán QCG khó hơn bao giờ hết khi bên mua gần như lúc nào cũng ở trong tình trạng trắng, trong khi bên bán chồng chất lệnh ở mức giá sàn.

Trong phiên 22/7, tổng cộng chỉ có 59.700 cổ phiếu QCG được giao dịch ở mức giá sàn, dư bán cũng chồng chất.

ckJul232024.gif
Đa số các cổ phiếu trụ cột giảm giá. Nguồn: FPTS

Như vậy, kể từ ngày 12/7 tới nay, cổ phiếu QCG đã giảm 36%, từ mức 12.250 đồng/cp xuống 7.850 đồng/cp. Việc bắt đáy cổ phiếu này cũng khá dè dặt, nhiều người lo ngại tình trạng có thể giống như trường hợp cổ phiếu Ocean Group (OCG) với chuỗi giảm sàn kéo dài sau khi đại gia Hà Văn Thắm bị bắt.

Trong quá khứ, QCG từng giảm rất sâu, có lúc về mức dưới 3.500 đồng/cp.

QCG là một cổ phiếu biến động rất mạnh trong nhiều năm qua, tăng, giảm nhiều lúc lên tới 5-7 lần. Trong hơn thập kỷ, QCG liên tục dính lùm xùm, tai tiếng, từ những dự án liên quan tới đất công, việc chậm giải phóng mặt bằng, dự án bị khách hàng kiện tụng, cho tới việc ít trả cổ tức…

Từ tháng 10/2016-3/2017, QCG vọt từ mức hơn 3.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên mức hơn 24.000 đồng/cp, rồi sau đó lao dốc về mức 4.500 đồng hồi tháng 10/2018. Từ mức khoảng 6.000 đồng/cp hồi tháng 7/2021 vọt lên mức 21.600 đồng/cp vào giữa tháng 1/2022.

Kể từ 2010 tới nay, cổ phiếu này đã có 2 lần tăng vọt lên khoảng 25.000-30.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) và cũng có 3 lần xuống quanh ngưỡng 5.000 đồng/cp.

Không chỉ QCG, trên thị trường chứng khoán nói chung cũng chịu áp lực bán mạnh.

Tới gần cuối phiên chiều 23/7, áp lực bán tăng vọt khiến VN-Index đang từ mức tăng 6-8 điểm chuyển qua giảm 18,41 điểm (1,47%) xuống 1.236,23 điểm khi hết phiên giao dịch khớp lệnh liên tục.

Chốt phiên ngày 23/7, chỉ số VN-Index giảm 22,83 điểm (tương đương giảm 1,82%) xuống 1.231,81 điểm. Chỉ số HXN-Index giảm 1,6%. Upcom-Index cũng giảm 1,6%.

Nhóm cổ phiếu trụ cột đa số giảm giá, trong đó có một số mã giảm mạnh như Ngân hàng BIDV (BID), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Vietinbank (CTG), Masan (MSN), MBBank (MBB), Thế Giới Di Động (MWG). Nhóm cổ phiếu Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 2/3 mã giảm.

Bên cạnh QCG, còn có 18 mã cổ phiếu khác giảm sàn.

Sự thận trọng vẫn bao trùm trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản cũng khá thấp, chỉ đạt 22 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, giao dịch ở mức thấp và cổ phiếu bị bán mạnh do tâm lý thận trọng và phòng ngừa rủi ro tăng lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn. Nhiều người chọn giải pháp đứng ngoài quan sát.

Dù áp lực lớn nhưng thị trường cũng ghi nhận một số điểm sáng, trong đó có đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rõ rệt hơn về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành.

Tỷ giá USD/VND cũng là điều mà nhiều người quan tâm. Đồng USD có bớt nóng nhưng đang tăng trở lại. Giới đầu tư kỳ vọng việc Fed có thể sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và bước vào giai đoạn nới lỏng tiền tệ, có thể bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Theo những kết luận ban đầu, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn là đất thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập doanh nghiệp Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không những không triển khai dự án mà cơ cấu các bên góp vốn liên tục thay đổi. Đến năm 2014 có sự xuất hiện của CTCP Quốc Cường Gia Lai của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan. Được biết, trong vụ này, Quốc Cường Gia Lai đã chi 465 tỷ đồng để mua vốn của Phú Việt Tín, sau đó bán cho hai pháp nhân và một cá nhân, thu lợi nhuận 382 tỷ đồng. 

Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng dính rất nhiều tai tiếng và nổi lên với “biệt tài” gom đất vàng giá rẻ.

Bên cạnh khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, QCG còn có dự án Phước Kiển 32ha. Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển cho QCG với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2. Dự án này sau đó đã bị thu hồi lại. Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật.

Trong nhiều năm, QCG gặp rất nhiều khó khăn vì vốn đọng trong các dự án bị đình trệ. Một số quy bị lỗ và doanh thu rất thấp. Cổ phiếu QCG biến động mạnh, tăng giảm 5-7 lần.

Thời ông Nguyễn Quốc Cường làm người công bố thông tin cho QCG, QCG cũng dính khá nhiều tai tiếng lùm xùm, liên quan tới việc công bố thông tin không đúng, không kịp thời.

Kinh tế lập nhiều kỷ lục mới, cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?Kinh tế Việt Nam bất ngờ ghi nhận những kết quả rất tích cực trong quý II, xóa tan nhiều lo ngại của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán trong tháng 7 và nửa cuối năm 2024 sẽ lạc quan đến đâu?