“Quả đắng” từ những cuộc gọi đòi nợ
Bà Phạm Thị Mai* (53 tuổi, Thái Bình) bủn rủn chân tay sau khi nghe cuộc điện thoại báo tin con trai đang nợ rất nhiều tiền. Bà không nhớ đây là cuộc gọi thứ bao nhiêu để nhắc nợ.
Một tháng qua, đây là khoản nợ thứ hai bà nhận được sau khi con trai vay “nóng” để mua điện thoại mới.
Khoản đầu tiên bà được thông tin là việc con đứng tên vay của công ty “MB Shinesx..” năm 2022 để mua một chiếc điện thoại iPhone 12 với giá 24,9 triệu đồng. Khoản tiền trả trước là 5 triệu đồng, còn lại vay trả góp 19,9 triệu đồng.
Đến gần đây, phía cho vay báo về khoản gốc và lãi chưa trả đã hơn 50 triệu đồng và yêu cầu thanh toán gấp.
Một khoản khác, con trai bà nhờ bạn đứng tên vay của “Mced…” hơn 20 triệu đồng để mua Iphone 13. Sau nhiều lần bạn đốc thúc trả, tới nay, khoản tiền còn lại cũng hơn 10 triệu đồng. Nếu tiếp tục không trả, khoản tiền gốc và lãi cộng lại sẽ lên rất nhanh.
Cả cuộc đời làm lụng đồng ruộng vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người mẹ già đâu hiểu thế nào là sống “phông bạt”, là vay tín chấp.
“Tôi chỉ thấy người ta nói con tôi sống phông bạt, vay nợ khắp nơi. Mà tiền ăn uống, sinh hoạt hàng tháng tôi vẫn chu cấp. Khi con lên thành phố ăn học, tôi cũng đã mua cho cháu một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng. Không hiểu, nó liên tục vay tiền mua điện thoại làm gì?”, bà Mai băn khoăn.
Hỏi con chỉ nhận được sự gắt gỏng, bà Mai đành gọi điện cho những người bạn của con để tìm hiểu sự việc. Theo lời kể của bạn bè, người mẹ biết được cứ mỗi lần có dòng điện thoại mới, con trai bà lại “lên đời” bằng được, tìm mọi cách để mua mới.
“Bạn nó bảo nó xây dựng hình tượng gia đình có điều kiện, cuộc sống dư giả, điện thoại liên tục nâng cấp theo đời mới. Đến cả đi học, nó cũng bắt xe công nghệ đi chứ không chịu đi con xe cũ tôi gửi lên cho nó. Đầu tóc cũng nhuộm sành điệu, quần áo thay đổi liên tục”, người mẹ thuật lại.
Thắt lưng buộc bụng lo chu cấp tiền cho con lên thành phố học, người mẹ già ấp ủ hy vọng con thành tài để đỡ đần lúc về già. Vậy nhưng, sau mấy năm ăn học, bà nhận được “quả đắng” là những cuộc gọi đòi nợ.
“Tôi vừa phải bán 2 tấn thóc với giá 12.000 đồng/kg, tổng cộng được 24 triệu đồng cùng đàn lợn con để trả nợ cho con trai. Nhóm cho vay lãi gọi về tận cơ quan của con gái lớn của tôi đang làm việc, rồi gọi cho họ hàng… Tôi đau lòng quá”, bà Mai nghẹn ngào kể về hoàn cảnh hiện tại.
Câu chuyện của bà Mai chưa phải quá phổ biến, song cũng không còn xa lạ bởi thực tế nhiều học sinh, sinh viên đang bất chấp hoàn cảnh kinh tế gia đình để chạy theo lối sống xa hoa, màu mè, giả tạo.
Chạy theo bạn bè cũng là bài học nhớ đời mà Hồng Nhung – cựu sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – từng vấp phải. Nhung kể, ngày mới trở thành tân sinh viên, thấy các bạn làm móng tay, làm tóc, trang điểm, diện quần áo đẹp, điện thoại xịn… cô nàng cũng háo hức học theo.
Những bức ảnh được cô tân sinh viên đăng lên mạng xã hội được chỉnh sửa kỹ lưỡng, chụp ở những nơi sang chảnh. Thời gian cô ở quán cà phê, tụ tập với bạn bè nhiều hơn dành cho học tập, gia đình.
Để có tiền thực hiện việc này, Nhung chậm nộp học phí rồi đi vay mượn khắp nơi. Có lần, cô còn theo bạn bè đi uống rượu với khách để có tiền tiêu xài.
“Cứ chạy vòng quanh, vay chỗ nọ, đập chỗ kia. Cho tới khi bị cảnh báo học vụ vì chậm học phí, điểm học tập thấp thì mình mới tĩnh tâm ngồi suy nghĩ lại. Cũng may mình nhận ra sớm”, Hồng Nhung nói.
Hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ về xu hướng sống ảo
Lối sống “phông bạt” thường được hiểu là việc xây dựng một vẻ ngoài hào nhoáng, một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong, không đúng với thực tế.
Việc “tô vẽ” bề ngoài lộng lẫy, xa hoa này là cách mà nhiều người trẻ hiện nay hướng đến. Họ không quá để tâm đến cuộc sống thực của mình, nhưng khi đăng tải hình ảnh hoặc video lên mạng, mọi thứ phải thật lung linh, hoành tráng, để nhận được sự ngưỡng mộ và khen ngợi từ người khác.
Gần đây, nhiều trường hợp bị phát hiện lợi dụng việc quyên góp từ thiện sau bão Yagi để “phông bạt”, làm hình ảnh cho bản thân cũng là hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ về xu hướng sống ảo.
Điển hình như một nam tiktoker với triệu người theo dõi đã bị cộng đồng mạng phát hiện sai lệch trong việc quyên góp từ thiện. Người này thông báo đã chuyển khoản số tiền hàng chục triệu đồng tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng sau khi kiểm tra, cư dân mạng phát hiện giao dịch với số tiền 1 triệu đồng. Sau đó, nam thanh niên này đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận lối sống “phông bạt” của bản thân.
Một trường hợp khác là nghi vấn về trường hợp của một cựu vận động viên khi đăng bài lên mạng xã hội đã “úp mở” ủng hộ số tiền lên đến 9 con số, tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ủng hộ thực tế qua kiểm tra sao kê người có tên giống cựu vận động viên này chỉ là 500.000 đồng.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – lo ngại xu hướng “phông bạt” – nơi giới trẻ tạo dựng một hình ảnh lý tưởng trên mạng – đang có tác động tiêu cực đối với cả cá nhân và xã hội.
Theo TS Hòa An, những cá nhân liên tục thể hiện hình ảnh giả tạo này có thể đối mặt với những vấn đề về sức khỏe, tinh thần. Họ phải chịu áp lực duy trì vẻ ngoài lý tưởng, dẫn đến lo lắng và cảm giác không đủ khi cuộc sống thật không đáp ứng được những kỳ vọng đó.
Ở mức độ xã hội, xu hướng này thúc đẩy những kỳ vọng phi thực tế và lối sống thiên về vật chất. Sự xuất hiện liên tục của những hình ảnh được chăm chút kỹ lưỡng trên không gian ảo khiến nhiều bạn trẻ tin rằng đó là tiêu chuẩn sống. Điều này dẫn đến việc ngày càng không hài lòng với cuộc sống của chính mình.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ba-me-ban-2-tan-thoc-cung-dan-lon-de-tra-no-loi-song-phong-bat-cho-con-20240915225554305.htm