Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ba lần gặp Hữu Loan

Năm nay, kỷ niệm 15 năm ngày nhà thơ Hữu Loan qua đời (2010). Hữu Loan, tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” là bài thơ bất tử trong thơ ca Việt Nam, ông có số phận đắng cay, nhưng thơ của ông lại rất hay nên được bao người yêu thơ ngưỡng mộ.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng19/04/2025

Nhà thơ Hữu Loan lúc sinh thời. Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Hữu Loan lúc sinh thời. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời Hữu Loan, tôi được gặp ông ba lần, và ba lần ấy đều để lại trong tôi những ấn tượng thật khó quên. Lần thứ nhất, vào năm 1988, tôi gặp Hữu Loan tại Quy Nhơn, thủ phủ tỉnh Nghĩa Bình. Lần ấy, Hữu Loan từ Lâm Đồng xuống Quy Nhơn, gặp chúng tôi ông rất mừng. Tôi thấy đây là sự kiện có thể tổ chức cho Hữu Loan đọc thơ. Tôi nói với anh Thế Kỷ, lúc ấy phụ trách nhà văn hóa Quy Nhơn, nhờ anh tổ chức một đêm đọc thơ nhân có nhà thơ Hữu Loan ghé Nghĩa Bình.

Đêm thơ ấy thật cảm động. Khi biết có Hữu Loan đọc thơ, rất nhiều khán giả, trong đó có những người qua đường, những người đạp xích lô, xe đạp thồ đến xem chỉ vì quá yêu cái tên Hữu Loan, dù chưa một lần gặp mặt. Đêm đọc thơ phục vụ nhân dân lao động của Hữu Loan và chúng tôi đã thành công rực rỡ. Ngồi lại với ông, uống vài ly rượu Bàu Đá, mới thấy Hữu Loan là người ẩn tướng.

Thoạt nhìn, rất khó đoán định nội lực của con người vừa có dáng tiên phong đạo cốt vừa có vẻ một tiều phu núi xanh này. Thì đúng, Hữu Loan đã từng làm công việc nặng hơn việc một tiều phu: ông thồ xe chở đá độ nhật và nuôi cả gia đình trong thời gian khổ. Nhưng ông lại vốn là một “ông tú” thời Tây, là người am tường Hán học, và là một nhà thơ không phải dạng vừa, chỉ một bài thơ “Màu tím hoa sim” Hữu Loan đã chinh phục được người đọc thơ rất nhiều thế hệ, chinh phục cả người ngoài Bắc lẫn trong Nam.

Góp vào cho sự quảng bá bài thơ bất tử ấy là hai ca khúc phổ thơ, một của Phạm Duy, một của Dũng Chinh. Bài Phạm Duy phổ có vẻ “bác học” hơn, còn bài Dũng Chinh bình dân hơn (bolero). Nhưng cả hai bài đều phổ biến rất rộng trong nhân gian.

Lần thứ hai tôi được gặp Hữu Loan là vào năm 1989, tại Quảng Ngãi. Hồi đó Quảng Ngãi mới chia tỉnh, gia đình tôi từ Quy Nhơn dời về Quảng Ngãi, đời sống khó khăn, nhưng cứ gặp Hữu Loan là vui, vì khó khăn của mình chẳng đáng sá gì với những khốn khổ mà Hữu Loan từng trải qua trong rất nhiều năm. Gặp Hữu Loan, mừng quá, tôi lại dắt díu ông đi đọc thơ ở các trường học. Giọng đọc thơ của Hữu Loan thật trầm ấm, và “đặc chất Thanh Hóa”. Nhưng đọc thơ có vẻ không phải “nghề” của ông, chẳng qua gặp lúc đò giang thì thế thôi. Chơi với Hữu Loan, thích nhất là nghe ông trò chuyện.

Từ chuyện xa tới chuyện gần, từ chuyện kinh Dịch tới thơ Đỗ Phủ. Trong lòng nhà thơ già này là cả một kho kiến thức, luôn được ông nghiền ngẫm và uẩn súc nên là những kiến thức của sự trải nghiệm chứ không phải kiến thức kinh viện. Đó là kiến thức đẫm chất đời. Hữu Loan ung dung và khiêm nhường, giọng khẽ mà vang.

Lần thứ ba tôi được gặp Hữu Loan là ở đại hội nhà văn năm 1995. Hữu Loan lần đầu tiên xuất hiện tại một đại hội chính thức của Hội Nhà văn sau gần 40 năm vắng bóng. Thôi thì tay bắt mặt mừng, anh em các thế hệ nhà văn xúm xít quanh ông. Hữu Loan liên tục được mời... uống bia. Đại hội năm đó, ngoài sảnh luôn có quầy bia hơi rất ngon sẵn sàng phục vụ các nhà văn. Khi ngồi bên nhà thơ Mỹ Dạ, trông Hữu Loan rất tươi tỉnh. Giọng vẫn chân chất, nhỏ nhẹ. Khi tôi hỏi, ông có thích em Mỹ Dạ không, Hữu Loan cười bẽn lẽn, rất đáng yêu.

Bây giờ mỗi khi nghĩ và nhớ tới Hữu Loan, lại cảm thấy như nghìn trùng xa cách, dù Thanh Hóa nằm ngay trên quốc lộ 1. Bởi ngay lúc ở cạnh Hữu Loan, vẫn có cảm giác “Hữu Loan thiên lý”. Ông xa xôi như hình bóng một tiên ông, lại gần gũi như một người nông dân vừa xong buổi cày. Thiên lý ấy lại gần trong gang tấc. Vĩnh biệt ông đã 15 năm, tôi nhớ ba lần được gặp ông, đó là ba hạnh ngộ trong đời tôi.

THANH THẢO

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/ba-lan-gap-huu-loan-4004800/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm