Bà Harris và ông Trump đang dốc sức vận động tranh cử tại các bang chiến trường trong những giờ cuối cùng trước ngày bầu cử Mỹ 2024.
Nỗ lực bứt phá trong những giờ cuối cùng
Khi cuộc đua vào Nhà Trắng dần đi đến hồi kết, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang tập trung chiến dịch của họ vào 3 tiểu bang “Bức tường xanh” là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Bà Kamala Harris dành cả ngày thứ 2 ở Pennsylvania, bang chiến trường quan trọng này là nơi có 19 phiếu đại cử tri. Pennsylvania đã bầu cho ông Trump vào 2016 và ông Biden vào 2020.
Trong ngày 3/11 (giờ địa phương), ông Trump tổ chức các cuộc vận động tại 3 thành phố nhỏ hơn, nơi ông có thể thu hút sự ủng hộ từ cử tri nông thôn. Ông sẽ bắt đầu ngày mới ở Lititz, bang Pennsylvania, sau đó đến Kinston, bang North Carolina vào buổi chiều và kết thúc với buổi vận động vào buổi tối ở Macon, bang Georgia.
Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, và Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đã tham gia một cuộc tranh luận tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia tại Philadelphia – Ảnh: APNEWS |
Theo số liệu mới nhất, ít nhất 77 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, tương đương gần một nửa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2020.
Vào tối Chủ nhật vừa qua, tại Đại học Bang Michigan, bà Harris phát biểu với một tông giọng lạc quan gần như hoàn toàn, gợi nhớ đến những ngày đầu của chiến dịch khi bà ủng hộ “chính trị của niềm vui” và chủ đề “tự do”.
Bà nói: “Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng tôi không phải là chống lại điều gì, mà là vì điều gì”. Bà hứa sẽ giải quyết các vấn đề như kinh tế, quyền lợi phụ nữ, đặc biệt là quyền tiếp cận dịch vụ y tế và quyền phá thai, trong bối cảnh quyết định của Tòa án tối cao Hoa Kỳ vào năm 2022 đã xóa bỏ quyền này, và tìm kiếm các sự đồng thuận trong việc xây dựng một liên minh rộng rãi giữa các cử tri từ nhiều tầng lớp khác nhau, bao gồm cả các nhà lập pháp tiến bộ và những người có quan điểm ôn hòa, nhằm tìm kiếm các giải pháp chung cho các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị mà Mỹ đang phải đối mặt.
Về phía ông Trump, với khẩu hiệu: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trước tiên”, đã thực hiện tiếp cận một cách cứng rắn đối với vấn đề nhập cư và đưa ra những chỉ trích nặng nề đối với bà Harris và ông Biden… lấy đó làm nền tảng cho lập luận của ông về cuộc đua ở nhiệm kỳ thứ 2.
Ông đã chỉ trích đảng Dân chủ về tình trạng lạm phát trong nền kinh tế, đồng thời hứa hẹn sẽ dẫn dắt một “thời kỳ vàng” kinh tế, chấm dứt các xung đột quốc tế và bảo vệ biên giới phía nam của Mỹ.
Tuy nhiên, vào Chủ nhật vừa qua, ông Trump đã tuyên bố rằng các cuộc bầu cử ở Mỹ đã bị gian lận để chống lại ông. Ông đã bày tỏ những quan điểm liên quan đến việc gây hấn và thù địch đối với các nhà báo vì đã chỉ trích và đưa nhưng thông tin không thuận lợi để chống lại ông.
Ông cho rằng, mình “không nên rời Nhà Trắng vào năm 2021”, ám chỉ rằng ông “cảm thấy mình đã bị đối xử không công bằng khi bị tước quyền”. “Kamala đã phá hỏng. Tôi sẽ sửa chữa nó”, ám chỉ rằng ông sẽ khắc phục những vấn đề mà ông cho là do bà Kamala Harris gây ra.
Về cuộc bầu cử có khả năng sẽ được quyết định tại 7 bang. Ông Trump đã thắng các bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin vào năm 2016, nhưng những bang này đã chuyển sang ủng hộ ông Biden vào năm 2020.
Ngoài ra, North Carolina, Georgia, Arizona và Nevada cũng nằm trong khu vực chiến địa phía Nam của bản đồ bầu cử Tổng thống, nơi kết quả có thể ảnh hưởng đến chiến thắng của ông.
Trong những ngày gần đây, nhóm bà Harris đã bày tỏ sự tự tin, nhấn mạnh rằng có một khoảng cách lớn về giới tính trong dữ liệu bỏ phiếu sớm.
Một phân tích của POLITICO cho thấy, phụ nữ hiện chiếm khoảng 55% số phiếu bầu sớm, trong khi nam giới chỉ chiếm khoảng 45%. Điều này tạo ra một khoảng cách 10% giữa hai giới, cho thấy phụ nữ đang bỏ phiếu sớm nhiều hơn đáng kể so với nam giới trong các bang chiến địa. Họ cũng cho rằng, các cử tri quyết định muộn có khả năng ủng hộ bà Harris.
Cuối tuần này, chiến dịch của Harris đã huy động hơn 90.000 tình nguyện viên để thu hút cử tri và đã gõ cửa hơn 3 triệu nhà tại các bang chiến địa. Tuy nhiên, các trợ lý của bà vẫn khẳng định rằng bà đang ở thế yếu do nhiều yếu tố cạnh tranh khác.
Ngược lại, nhóm của ông Trump cũng thể hiện sự tự tin cho rằng sức hút dân túy của cựu Tổng thống sẽ thu hút cử tri trẻ và công nhân từ nhiều sắc tộc khác nhau. Họ tin rằng ông Trump có khả năng tạo ra một liên minh đảng Cộng hòa, bất chấp việc các nhóm cử tri truyền thống khác của đảng, đặc biệt là cử tri có trình độ học vấn đại học đang dần nghiêng về đảng Dân chủ.
Kết quả lịch sử
Theo AP, dù kết quả thế nào vào ngày bầu cử thì cũng sẽ dẫn đến một kết quả lịch sử. Nếu ông Trump chiến thắng, ông sẽ là Tổng thống đầu tiên đương nhiệm bị buộc tội và kết án hình sự.
Điều này xảy ra vì ông đã bị buộc tội và kết án trong một phiên tòa liên quan đến việc dùng tiền để che giấu một mối quan hệ ngoài luồng (thường gọi là “hush-money case”) ở New York.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một ứng viên Tổng thống bị kết tội hình sự vẫn tiếp tục tranh cử và có cơ hội quay lại Nhà Trắng, do hệ thống pháp luật Hoa Kỳ chỉ đặt ra rất ít điều kiện đối với các ứng viên Tổng thống. Trong đó, yêu cầu họ phải là công dân sinh ra tại Mỹ, ít nhất 35 tuổi và đã sống ở Mỹ ít nhất 14 năm. Không có điều khoản nào trong hiến pháp loại trừ người có tiền án hình sự khỏi việc tranh cử hoặc trở thành Tổng thống.
Nếu chiến thắng, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ 2 trong lịch sử Hoa Kỳ có 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, nghĩa là một người từng giữ chức Tổng thống, sau đó rời nhiệm sở, và rồi lại tái đắc cử cho một nhiệm kỳ mới.
Trường hợp này đã từng xảy ra với Tổng thống Grover Cleveland – người giữ chức trong 2 nhiệm kỳ riêng biệt: Nhiệm kỳ đầu từ năm 1885 – 1889 và nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 1893 – 1897. Điều này có nghĩa là ông sẽ có quyền chấm dứt các cuộc điều tra liên bang khác đang chờ xử lý, trong đó có các vụ án liên quan đến ông như vụ án về tiền hối lộ đã đề cập ở trên.
Bà Harris vận động cử tri trong khuôn viên Đại học bang Michigan ngày 3/11 – Ảnh: AFP |
Vào năm 2021, bà Harris đã trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên đảm nhận vai trò Phó Tổng thống của ông Joe Biden trong lịch sử Hoa Kỳ.
Sự kiện này có ý nghĩa biểu tượng lớn, vì nó mở rộng cơ hội cho các cộng đồng thiểu số trong hệ thống chính trị Mỹ. Các cộng đồng thiểu số này từ lâu đã đối mặt với nhiều rào cản, từ phân biệt đối xử, hạn chế tiếp cận các cơ hội kinh tế và giáo dục, cho đến việc ít có đại diện trong các vị trí lãnh đạo và quyết định.
Do đó, khi bà Harris là một phụ nữ da màu và người gốc Nam Á có thể đứng lên để giữ một vị trí quyền lực quan trọng trong Chính phủ là biểu tượng cho thấy hệ thống chính trị Mỹ đang dần trở nên đa dạng hơn. Để đạt được vị trí này, bà Harris đã có quá trình làm việc lâu dài và liên tục tạo dấu ấn trong sự nghiệp, từ vai trò công tố viên đến Thượng nghị sĩ của California.
Cụ thể, những thành tích nổi bật của bà Harris được điểm qua như các chính sách ủng hộ công bằng xã hội, cải cách hệ thống tư pháp và chăm sóc y tế. Trên cương vị Phó Tổng thống, bà tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo các chương trình như chiến lược giảm di cư bất hợp pháp tại khu vực Tam giác phía Bắc, cải cách lao động và thúc đẩy quyền bầu cử.
Những nỗ lực này là minh chứng cho cam kết của bà trong việc tạo ra thay đổi, từ đó mở đường và truyền cảm hứng cho những phụ nữ và người da màu khác dấn thân vào chính trị.
Từ đó, Phó Tổng thống Harris đã vươn lên dẫn đầu trong danh sách ứng cử viên của đảng Dân chủ sau khi ông Biden có “màn trình diễn” thảm hại trong một cuộc tranh luận vào tháng 6, khi phải đối mặt với những câu hỏi và phản hồi sắc bén, đặc biệt là về tuổi tác và khả năng lãnh đạo của mình.
Ông đã mất đi phong độ của mình khi không có một màn tranh luận đủ thuyết phục và phản ứng chậm chạp trước các lập luận từ đối thủ. Chính “màn trình diễn” không thành công này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trong nội bộ đảng Dân chủ, cuối cùng dẫn đến việc ông rút lui khỏi cuộc đua. Đó chỉ là một trong nhiều biến cố đã xảy ra trong chiến dịch năm nay.
Nguồn: https://congthuong.vn/bau-cu-my-2024-ba-harris-ong-trump-so-gang-quyet-liet-trong-48-gio-tranh-cu-cuoi-cung-356725.html