Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố

Ngày 11/6, Tổng công ty máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) – công bố thông tin ông Phan Phạm Hà, tổng giám đốc đã bị bắt.

Trước đó, ngày 10/6, VEAM nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội về việc đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mỗi năm nhận nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ các đối tác liên doanh liên kết Honda, Toyota… song liên tiếp ba đời lãnh đạo VEAM vướng lao lý. Việc ông Phan Phạm Hà bị bắt đã nối dài lịch sử buồn của ông lớn ngành công thương. (Xem chi tiết)

Nghìn ô tô của đại gia Việt phơi mưa nắng ở Thanh Hóa

Nhiều năm nay, khuôn viên của Nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) dành một khoảng đất rộng mênh mông để chứa hàng nghìn xe tải tồn kho từ lâu. Lô xe rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa thể có chủ mới.

Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Lần thông báo đấu giá gần nhất ngày 13/5/2024, giá khởi điểm cho lô xe (hơn 2.100 chiếc) chỉ còn 503 tỷ đồng vẫn không bán được. (Xem chi tiết)

Đề xuất đánh thuế mua bán vàng

Tại cuộc họp vào ngày 9/6 giữa NHNN với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24 năm 2012, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng là Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng.

Để khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, một trong những giải pháp được chuyên gia đề cập là xem xét để đánh thuế đối với giao dịch vàng. (Xem chi tiết)

Vàng hai giá, giá vàng miếng SJC giữa các ngân hàng chênh lệch lớn

Chênh lệch giá bán vàng miếng SJC tại các ngân hàng TMCP với 4 ngân hàng nhóm Big4 lên đến nhiều triệu đồng, thậm chí một nhà băng còn bán vàng miếng SJC giá cao hơn Big4 tới 5,02 triệu đồng mỗi lượng.

Đại diện truyền thông một ngân hàng lý giải, giá vàng tại ngân hàng TMCP cao hơn là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ can thiệp bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Trong khi ngân hàng TMCP không thuộc đối tượng này.

vang 20 1329 1377 30.jpg
Chênh lệch giá vàng miếng bán ra tại các ngân hàng TMCP đang cao hơn nhiều so với giá tại ngân hàng thương mại nhà nước. Ảnh: Minh Hiền. 

Trong 6 phiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng thành công gần đây, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh vàng còn có sự góp mặt thường xuyên của các tổ chức tín dụng trên. (Xem chi tiết)

Người dân có thể đăng ký mua vàng miếng SJC online

Trước tình trạng nhiều người dân phải xếp hàng mua vàng miếng SJC, các ngân hàng bắt đầu triển khai tiện ích đăng ký mua vàng SJC trực tuyến.

Việc mua vàng online được Vietcombank triển khai từ ngày 12/6 ngay trên website. Khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC theo địa điểm mong muốn và nhận được xác nhận lịch hẹn với thông tin về địa điểm, thời gian thực hiện thanh toán và giao nhận vàng miếng SJC mà không cần phải đến trực tiếp để xếp hàng và lấy số giao dịch.

Các ngân hàng còn lại cũng đang chuẩn bị cho việc triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến.(Xem chi tiết)

Liên quan đến tình trạng thuê người lấy số mua vàng đẩy giá, NHNN vừa gửi công văn hoả tốc số 4810 đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh, xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường vàng. (Xem chi tiết)

Sinh vật gây hại tấn công cây nông nghiệp, 11 tỉnh nhận chỉ đạo khẩn

Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo khẩn 11 tỉnh có dịch hại châu chấu vào cuộc phòng chống gấp.

Bộ này nêu rõ, châu chấu tre lưng vàng (và vài loài châu chấu hại tre khác thuộc nhóm châu chấu đàn) khi trưởng thành có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn, tìm nơi đẻ trứng.

Gần đây, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại khá nghiêm trọng cho cả cây trồng nông, lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. (Xem chi tiết)

Thông tin về việc rút ruột cà phê, hồ tiêu ở cảng Cát Lái 

Chiều 11/6, Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam phản ánh của một số doanh nghiệp về tình trạng “rút ruột” hàng loạt lô hàng cà phê và hồ tiêu, nghi diễn ra tại cảng Cát Lái, quận 2. Khối lượng hàng hoá bị mất chiếm từ 7-28% so với tổng lượng xuất khẩu, tuỳ thị trường.

Ngay tối 11/6, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chính thức hồi đáp, cho biết các phòng ban chức năng của tổng công ty đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin thiếu hụt hàng hóa do phía Hiệp hội cung cấp.

Tuy nhiên, việc hiệp hội đưa thông tin hàng hoá nghi bị “rút” bớt tại cảng Cát Lái là chưa có căn cứ. (Xem chi tiết)

EU bỏ kiểm soát với mì ăn liền, tăng tần suất kiểm tra quả thanh long Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 12/6, Ủy ban châu Âu đã đăng Công báo về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU.

Theo đó, từ 2/7, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm vì đáp ứng các quy định. 

Tuy nhiên, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong sản phẩm. (Xem chi tiết)