Đề minh họa năm 2025 môn tiếng Anh có ba dạng bài mới, chú trọng kiến thức từ vựng/ngữ pháp trong thực tiễn và năng lực viết văn bản, theo hai nhà nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chi và nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu thông tin này tại hội thảo “Dạy – học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ngày 31/3.
“Việc đổi mới dạng bài trong đề thi năm 2025 phần nào hướng tới mục tiêu người học sử dụng tiếng Anh trong cả học tập và giao tiếp, phát triển toàn diện 4 kỹ năng”, cô Thảo nói.
Dựa trên phân tích đề minh họa, nhóm nghiên cứu nhận thấy ba dạng bài mới. Cụ thể:
Về kiến thức, ngoài dạng bài điền từ vào đoạn văn truyền thống, đề thi minh họa năm 2025 thêm bài điền từ vào dạng văn bản có tính thực tiễn như thông báo, quảng cáo. Số lượng câu hỏi cũng tăng lên.
Về kỹ năng, đề minh họa năm 2025 chú trọng nhiều về năng lực viết văn bản. Trong các đề từ năm 2024 trở về trước, thí sinh được yêu cầu viết câu gián tiếp qua các dạng bài chọn câu có nghĩa tương đương hay kết hợp câu. Còn ở đề thi năm 2025, thí sinh được đánh giá qua hai dạng mới: sắp xếp câu thành đoạn và điền câu/vế câu vào văn bản.
Với dạng điền từ vào thông báo/quảng cáo, nhóm nghiên cứu lấy một câu hỏi trong đề minh họa: Đoàn Thanh niên trường thông báo về tiệc cuối năm, yêu cầu tất cả học sinh có mặt lúc 19h ngày 29/5. Mỗi lớp chuẩn bị một tiết mục biểu diễn không quá 5 phút cho chương trình tài năng. Các lớp đề cử một học sinh tham gia sự kiện “King and Queen of the Night”.
Đây là thể loại văn bản gắn liền với thực tiễn giao tiếp (tiệc cuối năm ở trường). Từ vựng/ngữ pháp được kiểm tra trong diễn ngôn có bối cảnh cụ thể (thông báo).
Dạng bài sắp xếp các câu để tạo thành một đoạn văn hoặc lá thư có ý nghĩa, thể hiện qua câu số 16 trong đề minh họa. Đề bài đưa ra 4 câu, nói đến lợi ích mà học sinh có được khi tham gia hoạt động tình nguyện. Thí sinh dựa vào những từ nối như Firstly (đầu tiên), Finally (cuối cùng)… để xếp câu theo thứ tự, thành một đoạn đúng.
Theo cô Chi, dạng này chú trọng đến khả năng hình thành văn bản để truyền tải thông điệp trọn vẹn; có thể thức văn bản cụ thể (lá thư hoặc đoạn văn), đòi hỏi sự mạch lạc và thống nhất.
Dạng thứ ba yêu cầu điền câu hoặc vế câu vào văn bản. Với dạng này, thí sinh cần thể hiện năng lực nhận diện tính thống nhất và kết nối trong văn bản
để tạo nên mạch ý hoàn chỉnh.
Ví dụ, đề bài đưa ra một văn bản nói về lợi ích của âm nhạc với cuộc sống. Đoạn văn để trống các câu hoặc vế câu, yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án cho sẵn để hoàn thiện.
Theo tiến sĩ Chi, các trường có thể nắm bắt những thay đổi trên để có hướng ôn luyện cho học sinh, nhưng vẫn nên duy trì hình thức như thuyết trình, đóng kịch, tranh luận, thảo luận, viết báo… trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Việc này vừa giúp học sinh phát huy năng lực giao tiếp, ngôn ngữ, vừa có sự chuẩn bị cho một số bài thi đánh giá riêng của các trường.
“Nhà trường cần đa dạng và linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá, hướng đến những dạng bài đổi mới, không nên chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh đi thi”, cô Chi nói.
Giáo viên cũng cần chuẩn bị hoạt động giảng dạy bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, tận dụng nguồn ngữ liệu có sẵn để học sinh làm quen với dạng bài mới.
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Kỳ thi này gồm hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh được chọn hai môn trong các môn còn lại trong chương trình phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
So với trước, số môn thi giảm, Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn. Thời gian bài thi môn này từ 60 phút còn 50 phút, số câu hỏi còn 40, thay vì 50 như hiện nay.
Bình Minh