Sáng 4/4, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì hội thảo khoa học lấy ý kiến về đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh, việc xây dựng một nền công vụ, nền hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là kim chỉ nam của thành phố hiện nay và thời gian tới. Do đó, địa phương mong muốn học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm trong nước, quốc tế để xác định mô hình về nền công vụ phù hợp với thành phố.
“Việc xác định mô hình để chuẩn hóa lại các quy trình, quy định trong vận hành hệ thống. Đi liền với đó là tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa nền công vụ và đảm bảo chính sách, điều kiện đi kèm”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Trước đó, trong buổi làm việc với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, để hiện đại hóa nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải triển khai ba trụ cột đi kèm. Đó là thu nhập tăng thêm, là chính sách nhà ở và tạo cơ hội thăng tiến trong vị trí làm việc.
Ông Mãi khẳng định, làm tốt ba trụ cột đó sẽ xây dựng được một nền hành chính, nền công vụ hiệu lực hiệu quả, với mục tiêu kiến tạo-phục vụ.
Ba cốt lõi, ba thách thức
Theo GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), bệ phóng cho sự cất cánh của một đô thị là hệ thống quản trị của đô thị đó, với nòng cốt là nền công vụ. Bởi vì, nền công vụ cung cấp mọi dịch vụ công cho xã hội và nền kinh tế.
Theo ông, trong 40 năm qua, nền công vụ của TP.HCM đã thực hiện được những sứ mệnh quan trọng. Nổi bật trong đó là đã nắm bắt kinh tế thị trường, điều tiết quá trình mở cửa, giải phóng sức của dân, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng các dịch vụ công, và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản.
Tuy nhiên, theo GS. Ngọc Anh, thành công trong quá khứ không đảm bảo là sẽ có năng lực cho hiện tại và tương lai. Những trục trặc trong hơn một thập kỷ trở lại đây thể hiện một vấn đề gốc rễ: nền công vụ TP.HCM chưa sẵn sàng để đương đầu với những thách thức trong giai đoạn tiếp theo.
Qua 40 năm với nhiều nỗ lực cải cách, nền công vụ thành phố tuy đạt được một số tiến bộ nhất định, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, có 3 thách thức cần được giải quyết. Đầu tiên là thu nhập của công chức, viên chức không đủ sống; tính giải trình trong bộ máy của từng đơn vị, từng cán bộ còn hạn chế; môi trường pháp lý còn nhiều cản trở.
“Nếu không giải quyết được 3 thách thức này thì sẽ không xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sự vào cuộc của Trung ương và đây là điểm mấu chốt”, GS. Trần Ngọc Anh lưu ý.
Vị chuyên gia này cũng thông tin, đối với những đô thị thành công trên thế giới, nền công vụ ưu tú là bệ phóng để phát triển và gia nhập câu lạc bộ các thành phố thịnh vượng. Đối với TP.HCM, nếu thất bại trong xây dựng nền công vụ ưu tú gần tương đồng với thất bại trong hiện thực hóa mục tiêu trở thành một đô thị tiên phong, giúp cả nước phát triển và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
“Như tôi đã trình bày, xây dựng một nền công vụ kiểu mới đòi hỏi sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung ương, coi đây là một đề án chiến lược để xây dựng một mô hình siêu đô thị mới cho TP.HCM, có ý nghĩa sống còn cho cả quốc gia trong nhiệm kỳ tới”, GS. Ngọc Anh khẳng định.
Góp ý tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch nhận định, nền công vụ có 3 cấu phần cốt lõi là thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. “Nếu thiếu một trong 3 cấu phần trên, thì nền công vụ không thể hoạt động được”, TS. Du Lịch lưu ý.
Về thể chế, TS. Du Lịch cho rằng, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP.HCM.
Do đó, ông đề xuất TP cần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mở rộng phân cấp, phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là 5 lĩnh vực đã được quy định trong Nghị quyết 98. Việc phân cấp phải rõ ràng, hạn chế đến mức tối thiểu cơ chế xin – cho trong bộ máy.
TS. Trần Du Lịch cũng đặt vấn đề về việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM.
Theo ông, mô hình này cần gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc TP.HCM trong quá trình đô thị hóa 5 huyện ngoại thành.
“Trong đề án các đô thị trực thuộc, mỗi thành phố trực thuộc sẽ là một cấp chính quyền tự chủ. Bộ máy hành chính cấp sở, ngành chủ yếu phục vụ, thanh, kiểm tra công vụ đối với 15 quận nội thành”, TS. Trần Du Lịch góp ý.
Nói thêm về Nghị quyết 98, TS. Trần Du Lịch cho biết, nghị quyết này vẫn có phần dang dở trong việc huy động tài chính. Ông cho rằng, nếu không có dư địa để chính quyền huy động nguồn lực thì thành phố không thể phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có.
“Cần nghiên cứu tăng quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM, có thể gần giống vai trò, mô hình thị trưởng ở các nước. Đồng thời, vai trò của sở, ngành trong chức năng quản lý Nhà nước cần được nâng cao, thay vì chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc như hiện nay”, TS Trần Du Lịch nêu vấn đề.