Trước đây bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) trồng nấm rơm theo hộ gia đình, hình thức nhỏ lẻ, lợi nhuận thấp. Sau khi Hội Nông dân xã vận động tham gia mô hình Tổ hợp tác trồng nấm rơm, từ đó việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nhiều thuận lợi. Bà con gia tăng lợi nhuận, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Đến thăm gia đình anh Danh Được, ngụ ấp Hòa Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, một người trồng nấm rơm đã nhiều năm. Anh Được cho hay, trồng nấm rơm không khó cũng không cần phải có đất nhiều. 1 công đất trống quanh nhà là anh Được có thể trồng nấm rơm nối vụ quanh năm.
Để đạt năng suất cao, anh Được cho hay trước tiên phải làm sạch nền đất bằng cách rải vôi để diệt khuẩn. Trong đó quan trọng nhất là khâu ủ rơm vì vậy khi tưới nước phải trở rơm cho đều.
“Rơm đem về ủ từ 12 – 15 ngày phải tưới nước thường xuyên, sau 15 ngày nếu rơm đỏ đẹp có mùi thơm như mùi thuốc bánh thì rơm mới đạt còn nếu có mùi hôi thì không làm được. Để làm nấm đạt thì mình chọn nơi dưới bóng cây, nếu nắng quá thì héo sẽ không ra nấm được”, anh Được chia sẻ kinh nghiệm.
Còn gia đình ông Danh Rồi (ngụ ấp Hòa Bình) cũng là người có thâm niên trồng nấm rơm nhiều năm. Ông Rồi bộc bạch: nghề trồng nấm rơm ít vốn, thời gian thu hoạch nhanh, khoảng 30 ngày, tỉ lệ lãi sau khi trừ chi phí cũng khá ổn. Tuy nhiên người trồng nấm phải chịu khó, siêng năng, cần cù chăm sóc.
“Trồng nấm rơm thì mình tận dụng rơm phế thải về mình làm vừa có kinh tế phụ thêm lại không tốn nhiều đất. Thu hoạch lúa xong mình vừa làm việc nhà vừa trồng thêm nấm rơm cũng kiếm thêm 10 triệu đồng/tháng”, ông Rồi kể.
Theo Hội Nông dân xã Thới Quản, bà con đồng bào dân tộc Khmer trồng nấm rơm theo hộ gia đình, phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân nên năng suất và hiệu quả mang lại chưa cao. Để tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề theo hướng bền vững, an toàn sinh học Hội Nông dân xã đã vận động bà con thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm.
Ông Rồi cũng chia sẻ thêm: “Tôi thấy vô Tổ hợp tác có nhiều cái lợi lắm, nguyên liệu làm nấm như rơm rạ mình thu mua cũng dễ. Đầu ra của nấm cũng dễ tiêu thụ, thương lái ở đâu cũng biết và đến thu mua, chứ không có bấp bênh như trước”.
Ông Lê Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Quản, cho biết: Trong thời gian qua Hội nông dân cũng có phối hợp với đơn vị liên quan để hỗ trợ dịch vụ việc làm cho người dân như mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm để giúp nông dân biết cách trồng đạt hiệu quả cao.
“Xã Thới Quản có hơn 41% bà con là đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông. Từ định hướng chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo mô hình tổ hợp tác đã giúp cho bà con nông dân Khmer thay đổi tư duy sản xuất qua đó mang nhiều lợi ích thiết thực”, ông Trạng nhấn mạnh.
Chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp cũng tạo điều kiện để Tổ hợp tác trồng nấm rơm ấp Hòa Bình phát triển thuận lợi. Các thành viên trong Tổ cũng phấn khởi hăng say lao động sản xuất, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đời sống nâng cao cũng góp phần cùng chính quyền địa phương sớm đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ba-con-khmer-tang-loi-nhuan-nho-vao-to-hop-tac-trong-nam-rom-1383403.ldo