Vào ngày cuối cùng của năm, nhà hàng “Hello Vietnam” của chị Bùi Thu sớm nhộn nhịp. Hôm nay, cửa tiệm tạm đóng cửa nhưng không khí lại rộn ràng náo nhiệt hơn ngày thường.
Đã thành thông lệ suốt nhiều năm qua, cứ tới đêm giao thừa, hàng chục người con xa xứ là lao động Việt và du học sinh lại đến quán của chị để quây quần cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên.
“Tôi sống xa nhà và gần 20 năm qua chưa được đón Tết ở quê. Đài Loan là nơi giúp tôi khởi nghiệp thành công nhưng bên này lại không có người thân Việt Nam nên cứ dịp này tôi lại mời mọi người tới quán chung vui.
Dù là du học sinh hay dân lao động nhưng tất cả đều có điểm chung là người con xa xứ mang trong mình nỗi nhớ quê hương”, chị Thu bộc bạch.
Được biết, truyền thống này được chị Thu duy trì suốt 7 năm qua. Toàn bộ chi phí tổ chức tiệc đều được bà chủ người Việt bỏ ra. Năm nay, vì bận nhiều việc riêng nên chị chủ động gửi tiền để anh chị em đi chợ mua sắm, tùy ý lựa chọn những món muốn ăn. Bữa tiệc năm nay tiếp đón hơn 30 khách.
Chị Thu tiết lộ, những vị khách tham gia tiệc vốn đều là khách quen của quán. Họ thường xuyên tới quán ăn uống cho đỡ nhớ món ăn quê nhà. Rồi dần dần từ những người xa lạ, họ xích lại gần nhau rồi trở nên thân thuộc, gắn kết như người thân.
Để chủ động kịp tiệc đón giao thừa cùng anh em đồng hương xa quê, chị Thu sắp xếp trước bữa ăn tất niên với gia đình chồng ở thành phố Đài Trung từ trước đó. Bữa tiệc năm nay, chồng chị Thu, anh Sáng là người Đài Loan và con trai cũng tham dự.
Anh Thắng, 22 tuổi, đến từ Nghệ An, hiện là du học sinh một trường Đại học tại thành phố Đài Trung, cho biết giá vé Tết đắt đỏ hơn nhiều so với các dịp khác trong năm nên anh chấp nhận ở lại.
“Vì vấn đề kinh phí, tôi đành đón cái Tết xa quê. Nhưng nhờ có bữa tiệc của chị Thu đã giúp những người như chúng tôi thêm ấm áp”, nam sinh viên cho biết.
Trong khi đó, anh Thành, 30 tuổi, là lao động sang Đài Loan làm việc. 6 năm qua, anh Thành chưa từng về quê đón Tết vì muốn tiết kiệm chút tiền gửi về gia đình. Chính bởi vậy, anh Thành cũng rất hạnh phúc khi có dịp hội ngộ cùng những người đồng hương trong bữa tiệc đoàn viên này.
Bàn tiệc hôm nay chủ yếu những món ăn thuần Việt được chính tay anh chị em cùng nhau đi chợ, nấu nướng. Ngoài các món quen thuộc như bánh chưng, giò lụa, canh măng nấu móng giò, nem rán còn có một số món nấu theo kiểu miền Trung như ngỗng xào gừng sả, ba ba om chuối đậu, ốc xào…
Trong bữa tiệc, chị Thu còn gửi tặng mỗi vị khách một phong bao lì xì màu đỏ để lấy may. Tiếp đó để góp vui, chồng chị cũng phát tặng mỗi người một thẻ cào. Một số vị khách ồ lên vui vẻ khi cào trúng thẻ 800 đài tệ (630.000 đồng).
Gần chục năm tổ chức tiệc tất niên cho những đồng hương xa xứ, bà chủ người Việt nhận thấy khách mời bữa tiệc mỗi năm lại đông hơn trước đó do người nọ mời thêm người kia, còn không khí mỗi lúc thêm đầm ấm.
“Ở Việt Nam, chúng tôi hầu như không chung quê hương và đều đến từ nhiều tỉnh thành nhưng có thể cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng đón giao thừa thế này không còn gì hạnh phúc hơn.
Tôi muốn gửi lời chúc tới toàn thể anh chị em người Việt làm ăn xa xứ trong năm mới có thêm sức khỏe, chăm chỉ làm việc để mức thu nhập tốt hơn, qua đó giúp cải thiện cuộc sống khi trở lại quê nhà”, chị Thu bộc bạch.
Được biết, bản thân chị Thu cũng là một lao động người Việt sang Đài Loan lập nghiệp. Quê hương ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), vì thấy cuộc sống nhiều vất vả, năm 2001 chị xin sang Đài Loan xuất khẩu lao động để giúp việc gia đình và chăm sóc người già.
Xuất phát điểm từ số 0 khi lần đầu nơi đất khách quê người chưa hề biết một câu giao tiếp tiếng Trung, bằng sự nỗ lực hết mình, chị đã gây dựng nhà hàng nấu món Việt ở thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là nhà hàng Việt duy nhất ở Đài Loan liên tiếp 2 lần đạt sao Michelin danh giá.
Thực đơn chính hiện vẫn xoay quanh các món đậm chất Việt như bún đậu mắm tôm, bún chả nướng kiểu Hà Nội, bún nem rán, phở bò tái, bún lòng, bún móng giò, cùng một số món ăn vặt như nộm đu đủ, gỏi cuốn tôm, gỏi cuốn thịt heo, gỏi cuốn chay, nem rán. Mức giá các món từ 100 đến 300 Đài tệ (75.000 đồng – 230.000 đồng).