THÁI NGUYÊN Nhờ có hàm lượng N, P, K cũng như một số chất khoáng và protein cao, bèo tấm có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng quan trọng cho vật nuôi.
Đến với bèo tấm như cái duyên
Xuất phát từ lo lắng các món ăn chế biến từ ốc có chứa chất kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cùng các thành viên đã cùng nhau nghiên cứu, cho ra quy trình nuôi ốc nhồi bằng bèo tấm và các phụ phẩm hữu cơ.
Thời điểm mới bắt đầu, chị Bình và bà con rất đau đáu về hướng phát triển quy mô lớn, làm sao để tạo ra sản phẩm ốc nhồi chất lượng, vừa an toàn với sức khỏe con người, lại thân thiện môi trường. Mày mò trên báo chí và các tài liệu khoa học, chị Bình biết tới bèo tấm – loài thực vật có nhiều công dụng đáng nể.
Bèo tấm là cây một lá mầm có kích thước nhỏ nhưng tốc độ sinh trưởng nhanh nhất trong các loài thực vật có hoa. Cùng với tốc độ tăng sinh khối cao, sinh khối từ bèo tấm có chứa hàm lượng protein cao là nguồn thức ăn quan trọng cho vật nuôi. Đặc biệt, bèo tấm được nuôi trồng trên ao hồ trở thành một thành phần trong mô hình vườn – ao – chuồng mà không làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây lương thực truyền thống.
Ngoài ra, bèo tấm là thực vật thủy sinh ưa thích được sử dụng để làm sạch các nguồn nước thải. Chính vì những đặc điểm khác biệt so với các đối tượng thực vật khác mà bèo tấm ngày càng nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học ở nhiều quốc gia trên thế giới.
“Tới với bèo tấm là cái duyên và tôi may mắn khi được gặp bèo tấm”, chị Bình chia sẻ. Vì có hàm lượng N, P, K cũng như một số chất khoáng và protein cao, bèo tấm được nuôi trồng để cung cấp nguồn dinh dưỡng quan trọng trong khẩu phần ăn của vật nuôi.
Bèo tấm được HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc (HTX Thiên Phúc) nuôi trong ao riêng, sau đó mới chuyển sang vùng nuôi ốc để kiểm soát chất lượng và nguy cơ dịch bệnh.
Ốc sạch, thịt thơm giòn nhờ ăn bèo tấm
Về quy trình nuôi ốc bằng bèo tấm, anh Nông Trọng Sơn, kỹ thuật viên của HTX Thiên Phúc cho biết, trước khi thả ốc phải hút cạn nước, khử sạch tạp chất, vi khuẩn, không để các thiên địch như cá, cua, ốc bươu vàng… lọt vào ao nuôi. Ngoài ra, nguồn nước phải được xử lý sạch mới tiến hành đưa vào ao. Ngoài ra, bà con trồng mướp trên giàn để tạo bóng mát cho ao nuôi, vừa lấy nguồn thức ăn bổ sung cho ốc.
Ao nuôi chỉ thả ốc, mực nước lý tưởng khoảng 0,5m, mật độ xấp xỉ 150 con/m2. Ốc nhồi giống được chọn cần đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt, phần vỏ không bị sứt, dập cũng như phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Kích thước con giống lớn hơn hoặc bằng 0,5cm.
“Chúng tôi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phân ốc. Điều này giúp giảm thiểu lượng khí độc bùng phát trong ao, giúp phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, cặn bã dưới đáy ao…, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, đồng thời bổ sung vi sinh đường ruột giúp cải thiện hệ tiêu hóa của ốc”, chị Bình chia sẻ.
Nuôi ốc nhồi bằng bèo tấm sẽ mất thời gian hơn so với cách truyền thống khi phải phải nuôi và vớt bèo thường xuyên cho ốc ăn. Tuy nhiên, cách làm này lại mang lại hiệu quả cao khi ốc có kích cỡ to, đồng đều, mẫu mã đẹp, thịt ốc sạch, không có mùi hôi, thơm giòn và đậm vị hơn.
Hiện nay, HTX Thiên Phúc đang bán ốc nhồi thương phẩm với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các địa phương lân cận.
“Tôi và các thành viên HTX đều là những người con của huyện Đồng Hỷ. Chúng tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất này trọn đời. Do vậy, tôi mong muốn nông nghiệp hữu cơ không chỉ là sinh kế của bà con, mà đó phải là động lực thúc đẩy để Đồng Hỷ trở thành miền quê đáng sống”, nữ giám đốc HTX mong muốn.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ba-chu-me-nong-nghiep-huu-co-nuoi-beo-tam-cho-oc-d402369.html