Cùng với giải thưởng, câu chuyện phim tro tàn lại thêm một lần rực rỡ. Nhắc lại, đây là một tác phẩm không dễ xem với khán giả đại chúng, ngôn ngữ điện ảnh tiết chế cùng những thông điệp giấu kín kiểu tảng băng ngầm khiến ngay cả những người xem tinh ý cũng cần thời gian để nghiền ngẫm.
Có lẽ, chính những lý do này khiến Tro tàn rực rỡ nhận được đánh giá cao từ các giải thưởng quốc tế: đi tranh giải ở hạng mục chính (Main Section) tại LHP quốc tế Tokyo lần thứ 35, đạt giải Khinh khí cầu vàng cho phim hay nhất tại LHP quốc tế 3 châu lục…
Ba câu hỏi về Tro tàn rực rỡ do chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trả lời sẽ phần nào giúp khán giả dễ tiếp cận hơn với bộ phim được đánh giá là xuất sắc nhất mùa giải Cánh Diều 2023.
– “Tro tàn rực rỡ” rõ ràng không phải chỉ là một bức tranh miền Tây hay là câu chuyện tình tay ba, anh muốn kể gì ở bộ phim mà anh phải chuẩn bị suốt 10 năm?
Đây là câu chuyện bi kịch, mà còn là cái bi kịch lớn, một cái bi kịch mà nó hơi bị quá, nó hơi phi lý nhưng mà nếu nói về nó mà mình không có tiết chế thì sẽ rất là mélo (khoa trương).
Vì thế tôi phải chọn một lối kể và màu phim tương đối bình đạm. Điều này có liên quan đến cái chất thản nhiên của người miền Tây: họ đau khổ nhưng họ cũng thản nhiên, họ nghèo họ cũng thản nhiên hoặc làm gì họ cũng thản nhiên. Họ không có dày vò, dằn vặt nhiều đâu. Bởi vậy cái cô Hậu cô ấy mới có thể sống được như thế chứ.
Còn như người thành phố thì không bao giờ chịu được cái chuyện đấy đâu. Thành ra là cái sự thản nhiên đấy nó cần phải có. Nó là một cách sử dụng năng lượng khác. Một cách để người ta sống, nó khác so với thành phố.
Đã có người nói phim của tôi quá thiên vị phụ nữ, trong khi hình ảnh người đàn ông thì yếu đuối hơn nhiều. Tôi muốn tìm sự cân bằng, tìm cách lý giải chuyện đó.
Sự thất vọng, sụp đổ của người đàn ông xuất phát từ cấu trúc xã hội truyền thống. Trong gia đình, vị thế của người đàn ông cao hơn, vì chúng ta theo chế độ phụ quyền, người nam thường được chiều, về tinh thần sẽ yếu ớt hơn. Người nam cũng phải mang trọng trách lớn, buộc phải thành công, dưới sự áp đặt của xã hội, họ buộc phải mạnh mẽ, phải trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng tộc… khiến cho người nam thiếu sự tự nhiên.
Ở phía đối trọng, người nam càng mất tự nhiên, nữ càng tự nhiên. Đây là quy luật cân bằng, nam càng mong manh, nữ càng chắc chắn, nam sụp đổ, nữ mạnh mẽ. Mối quan hệ kiểu này rất phổ biến ở phương Đông.
– Rất là nhiều khán giả sau khi xem phim phản ánh rằng miền Tây ở trong bộ phim của anh cảm giác như là một miền Tây xa lắm rồi. Có phải không?
Nó vẫn thế, chả có gì khác cả. Bởi vì tôi mới quay phim đây thôi chứ đâu. Và truyện này cũng là truyện đương đại. Mọi người cứ bảo là tại sao cô Hậu lại vẫn cầm cái điện thoại cục gạch vì ai giờ chả dùng smartphone. Các bạn cứ thử đi về những bến cá mà xem tất cả người phụ nữ đều dùng những cái điện thoại như thế cả. Nhất là ở biển, người ta không dùng smartphone làm gì cả, smartphone ra biển hỏng ngay, người ta toàn dùng cục gạch thôi.
Quan trọng nó là sức sống, tôi thích vùng đất có nhiều sức sống. Đi vào miền Tây tôi bị thu hút bởi năng lượng của nước, của đất trời, sự hồn nhiên bình dị của con người. Ở đây, từ con cá con tôm quẫy dưới nước, nó đều rất tự nhiên. Ngư dân muốn bắt cá họ phải đi ra tận 18 km thả lưới trên cột, họ sống ở đó, bình thản, chỉ có lương thực và nước tối thiểu.
Tôi có cảm giác thế giới văn minh càng bóp ghẹt sức sống của con người, làm người ta giống như cỗ máy, phải làm việc, uống rất nhiều thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân để giữ cân bằng, toàn ngược, nó mất tự nhiên.
Có người hỏi tôi người miền Tây có hạnh phúc không? Tôi nghĩ họ hạnh phúc hơn những người sống ở thành phố. Niềm vui của họ đơn giản lắm, lễ tết sinh nhật là sẵn sàng bê cả dàn loa to tướng về hát suốt cả ngày.
Giờ thành phố ai ngồi hát cả ngày. Tất nhiên hạnh phúc hay sung sướng còn tùy tiêu chuẩn. Nhưng ít ra cuộc sống càng giản đơn càng ít gánh nặng, cành hạnh phúc. Người ta ít gánh nặng mới nghĩ đến tình cảm, quan hệ, đến một cái nhìn, nó là những phần rất tinh tế trong cuộc sống.
– Phim của anh gần như không có hướng dẫn nào cho khán giả, họ phải tự loay hoay để hiểu nó, và dường như điều đó hạn chế số lượng người muốn tiếp cận với tác phẩm?
Tôi nghĩ rằng đấy là một sự tôn trọng người xem để cho họ có cái nhìn của họ về bộ phim, cái nhìn của họ về câu chuyện, cái nhìn của họ về nhân vật, rồi qua đó họ có những câu trả lời khác nhau. Đấy là một sự tôn trọng khán giả thôi.
Cái này nó cũng chả mới. Còn mình cứ dắt khán giả như dắt đàn cừu, chỉ rõ đây là cái này, đây là cái kia rồi bắt khán giả phải hiểu theo ý mình thì chán lắm. Tất nhiên tôi biết một bộ phận khán giả vẫn thích như thế và đến khi họ bị đặt vào trong một cái rạp xong rồi để cho họ tự lựa chọn thì họ không biết lựa chọn cái gì.
Họ hoang mang và họ buồn ngủ và họ sẽ nhìn nhận những thứ buồn cười lắm, rồi họ tìm ra được những cái chi tiết mà mình không nghĩ ra được.
Ví dụ như họ để ý cái chuyện con bé con nó bị chết đuối rồi nhưng nó vẫn thở. Đấy là một cái soi rất là buồn cười, nhưng mà cũng hay, song tôi vẫn khẳng định là cái đấy không quan trọng. Bởi vì thế giới có những nhà làm phim họ cho người ta thấy rằng họ đang làm phim chứ không phải là bê cuộc đời thật lên đấy. Và ở đây tôi cũng muốn như thế.
Tôi cũng muốn khán giả phải hiểu rằng phim là phim, nó là cái tiếng nói của tôi, tiếng nói cá nhân của tôi, chứ nếu mà tôi đứng ở đầu làng, đầu thôn xong tôi hỏi từng người một là như thế này có được không như thế kia có được không thì tôi không bao giờ làm được phim hết.
(Nguồn: tienphong.vn)