Vài tia nắng sớm kịp xuyên qua kẽ lá tạo nên những đốm sáng lấp lánh màu bạc trên nắp phin cà phê... Những giọt đen cà phê bắt đầu rơi, rơi xuống, từng chút một, mang theo cả câu chuyện của những ngày tháng cũ về gia đình tôi, về ba tôi...
50 năm trước, khi lên 10, cả nhà tôi chuyển từ Sài Gòn về Dĩ An ngay trưa ngày 30-4. Ba nói: “Hòa bình rồi, cả nhà mình dìa quê thôi...!”.
Dựng cái quán cà phê mái lá ngay góc đường Truông Tre, trước hẻm nhà tôi. Khách vãng lai thì ít, chỉ thấy phần nhiều là dì, dượng, bà con và các anh, chị ở cái “xóm nhang” mỗi sáng sớm í ới nhau: “Ghé dô làm ly cà phê rồi đi mần bà con ơi!”...
... Làm ruộng, nên 4, 5 giờ sáng là quán đã rôm rả tiếng nói cười. Tôi thường thức sớm để phụ ba má pha cà phê bán... Thật ra, là tôi phụ rửa ly, rửa vợt chứ lúc đó có biết pha chế gì đâu. Mà tôi nhớ, hồi đó quán chỉ bán cà phê “kho”, nên chỉ cần “chế” ra rất nhanh. Sau này tôi mới hiểu, người uống cũng cần nhanh để ra đồng, xuống ruộng cho sớm. Ai chưa vội thì ngồi nán thêm vài ly trà cho ấm bụng...
Cà phê “kho” còn được gọi là cà phê vợt, một phương pháp pha chế độc đáo, mang đậm dấu ấn của Sài Gòn và vùng Nam Bộ xưa. Tên gọi “kho” có lẽ xuất phát từ cách nấu nướng, pha chế, khi cà phê được khuấy trộn và ngâm trong cái ấm nhôm hay cái siêu đất, để giữ nóng cà phê trên lửa nhỏ. Cũng như kho cá mà để lửa liu riu cho thấm...
Cà phê “kho” thường có vị đắng nhẹ, nhưng cũng rất đặc trưng mà thế hệ tôi trở về trước đến giờ này vẫn còn ưa thích bởi tính mộc mạc, dân giã của nó.
Không rõ tự bao giờ tôi biết “uống” cà phê và cũng không nhớ tự lúc nào tôi đã có thói quen ngồi với ly cà phê mỗi sáng... Có lẽ từ cái quán lá nhà tôi hồi đó!
***
Tôi nhớ...!
Chợ Dĩ An hồi xưa có mấy cây me to đùng ở cuối chợ. Có mấy nền xi măng vuông vức dưới các gốc me trông rất sạch sẽ. Tối thì bán chè, sáng thì bán bánh, bán xôi và là chỗ bán cà phê “cóc” - cách nói của Nam Bộ khi chỉ đến kiểu hàng quán cà phê bình dân cho người lao động, thường mượn góc chợ, góc phố, vỉa hè để bày bán. Khách ngồi xổm trên những chiếc ghế gỗ hay ghế nhựa thấp, nhỏ. Có lẽ kiểu ngồi đó mà hình dung ra hình ảnh con cóc để gọi theo, hay cũng có thể ý chỉ đến việc không ngồi yên, dời chuyển ghế để nhường chỗ khi có khách...
Ngày tôi bắt đầu đi học nghề, mỗi sớm đầu tuần ba tôi chở tôi ra gốc cây me này để ăn gói xôi và uống ly cà phê. Từ đây, lại bến xe lam cũng gần. Hồi đó, từ Dĩ An xuống trường, nơi tôi học ở Quận 5, Sài Gòn, phải đi mấy chặng xe. Từ bến xe lam Dĩ An xuống Thủ Đức. Rồi từ bến xe lam Thủ Đức lại bến xe buýt chờ chuyến đi xuống Sài Gòn.
Trở lại với chuyện cà phê. Tôi nhớ hoài cái ngày hôm đó...
Ba hỏi tôi, nay uống cà phê phin nhe. Rồi kêu cho tôi.
Cà phê phin là cách nói về kiểu uống cà phê từ một dụng cụ pha chế có nguồn gốc phương Tây. Từ “phin” được Việt hóa từ “filtre” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “bộ lọc”. Phin cà phê gồm ba phần chính: nắp, thân chứa bột cà phê và đế lọc đặt trên cái ly để cà phê nhỏ giọt. Nhìn giống như cái nồi lẩu nên sau này nhiều người hay nói vui là “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Khi người Pháp mang cà phê vào Việt Nam, thì người dân Nam Bộ cũng quen với cách uống này - cách uống chậm rãi và thư thái có phần khác kiểu uống cà phê kho đã nói trước đó.
Lần đầu, nhìn cái phin nhỏ giọt mà tôi không biết lúc nào uống được! Rồi khi ba kêu “được” rồi đó! Tôi lại lóng ca, lóng cóng bưng cả cái phin bỏ xuống, làm cà phê tràn cả mặt bàn... Ba cười, chỉ tôi cách. Còn tôi, đến giờ mỗi khi cầm cái phin cũng cười một mình, nhớ chuyện xưa...
***
Ba...!
Gần tết, ba bắc thang lặt lá mai. Cây mai mà ông anh hai có công vun trồng, chăm dưỡng và cắt ghép mấy chục năm qua - kể từ ngày giải phóng, nhà mới dọn về.
Thằng út và mấy anh em dặn hoài mà ba “không nghe”! Thật ra người già là vậy. Hay loay hoay làm việc này việc nọ một mình... Thang ngã, ba té dập đầu xuống đất... May mà cứu chữa kịp. Trong bệnh viện, ba dần khỏe. Tôi hỏi ba: “Thèm cà phê không? Nay bác sĩ cho uống rồi!”. Ba khẽ gật đầu. Tôi xuống thang máy tìm mua cho ba ly cà phê pha sẵn. Nhìn ba ráng sức hút nhẹ miếng cà phê trong bịch. Tôi biết cà phê này “không ngon” bằng cà phê ở góc quán nhỏ gần xóm mà ba thường ngồi với mấy người bạn già của ba... Cái đắng cà phê mà ba đang uống lúc đó sẽ còn "đắng" hơn, nếu ba biết tin ông bảy mất! (em của ông nội tôi)... Lúc đó, anh em chúng tôi dặn nhau, giấu, khoan cho ba biết.
Nắng lên cao, rọi những chùm sáng lao xao trong chén nước giữ nóng của ly cà phê. Nhìn vệt nắng dài qua khe lá, nhấp ngụm cà phê mà tôi nghe vị chát mặn.
***
Ba...!
Nghe má khẽ gọi, vội xuống bếp pha cho má ly cà phê. Bệnh kéo dài, má yếu dần, mà cứ thèm cà phê. Thèm vậy, chứ ba cũng chỉ mớm cho má vài muỗng cà phê là thôi.
Ba kể: "Hôm má té, cũng do ba đi xuống bếp pha cà phê. Dặn nằm đó, mà mới quay đi một chút...". Giọng ba nghẹn lại, tôi hiểu.
Ngày má mất.
Đêm, con út pha cho má ly cà phê để lên bàn vong. Thêm 1 ly đưa ba. Ba ngồi im một mình bên ly cà phê mà nhìn ảnh má.
Tôi, nhìn lặng!...
***
Tôi hiểu.
Hình ảnh người cha trong đời luôn là biểu tượng của sự mạnh mẽ nhưng lại là sự hy sinh lặng thầm.
Tôi biết.
Từ thuở tôi còn là mầm non nhỏ bé, ba đã sẵn sàng đặt cuộc đời mình lên vai, gánh lấy những trách nhiệm to lớn để nuôi dạy tôi nên người.
Ba như một bóng cây đại thụ, âm thầm che nắng chắn mưa, dù cuộc sống tôi có bao lần sóng gió.
Thời gian cứ tí tách trôi như giọt cà phê tí tách rơi đến giọt cuối cùng.
Má mất, ba cũng ngày càng già yếu hơn. Có mấy người con bên ba sớm tối, nhưng tôi biết ba cảm nhận được sự thiếu vắng, cô độc.
Tôi thấy, ba ít nói, ít cười hơn xưa. Sáng, trưa ba cứ pha cà phê ngồi một góc nhà để uống. Có lẽ mỗi lần ba nhấp ngụm cà phê sẽ là hình ảnh của má cũng đang thưởng thức ở đâu đó - một phương xa.
Tôi cảm nhận, hương vị cà phê xưa của má và ba như vẫn đang quyện trong không khí, lan tỏa, thơm nồng và ấm áp bên ly cà phê đang tí tách của tôi.
Từng giọt cà phê chảy xuống, như từng giọt thời gian chậm rãi lấp đầy tâm hồn, khơi dậy những ký ức và cảm xúc đã lâu chưa chạm tới.
Còn bạn?
Bạn có đồng cảm với tôi rằng, tình cha không chỉ là một món quà mà ta nhận được, mà còn là ngọn lửa để chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa. Hãy giữ lấy nó, sống với nó và truyền nó đi.
Đêm Bình Phước, 16-4-2025
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171815/ba-ca-phe-va-toi
Bình luận (0)