Bộ sưu tập cổ vật An Biên có gì đặc biệt?
Ngày 18/1, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó, 3 bảo vật nằm trong bộ sưu tập An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng, Tổng thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng.
3 bảo vật gồm: Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại: Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II – I trước sau Công nguyên; Bình gốm hoa nâu, niên đại: Thế kỷ XI – XII; Lư hương gốm men lam xám, niên đại: Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 – 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp.
Bộ sưu tập An Biên của ông Trần Đình Thăng hiện có 370 hiện vật. Trong đó có 234 hiện vật có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, là đồ gốm men, sành và đồ đồng, có niên đại được xác định từ thế kỷ 1-3 sau Công nguyên đến thế kỷ 9-10.
Nhóm này gồm những đồ đồng như trống chậu, lư, đỉnh, bát, đĩa…có hoa văn Đông Sơn; đồ gốm, đất nung như mô hình nhà, bình trang trí văn cánh sen…
Đồ gốm men thời Lý, Trần, Lê, Mạc với nhiều loại hình bát, đĩa, lọ, hộp, âu, liễn… thuộc các dòng men trắng, men nâu, hoa nâu, hoa lam độc đáo. Nhiều hiện vật thuộc dòng gốm hoa lam, có nguồn gốc tìm được từ tàu cổ Cù Lao Chàm. Trên cơ sở nhóm hiện vật này có thể thấy đặc trưng đại diện cho lịch sử gốm cổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập cổ vật An Biên có 134 hiện vật có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, gồm các loại chất liệu gốm sứ và đồng có niên đại của nhiều thời kỳ từ thời Chiến quốc – Đông Hán cho đến Tống -Nguyên – Minh – Thanh.
Đặc biệt, có hiện vật chỉ còn 3 bản trên thế giới, trong đó có 1 chiếc đã được nhà đấu giá Sotherby’s bán với giá hơn 1 triệu USD.
Trong nhóm hiện vật này đáng chú ý các loại hình bát đĩa, lọ, hộp… gốm sứ men ngọc (Celadon), men trắng, hoa lam, men nhiều màu. Đặc biệt có loại bát sứ hoa lam vẽ hoa dây về đề tài liên – áp, đặc trưng thời Nguyên, rất hiếm quý. Hay chiếc bình men lam sẫm vẽ trang trí vàng kim thời Minh.
Ngoài ra, còn có hàng chục bức tượng phật lớn nhỏ khác nhau được ông Thăng kì công sưu tầm, những pho tượng trên được làm bằng gỗ quý như Hoàng Đàn và Ngọc Am, theo đánh giá của giới chuyên môn, tổng giá trị của các pho tượng trên trị giá gần 3 triệu USD.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, một chuyên gia trong giới cổ vật chia sẻ: Qua bộ sưu tập cổ vật An Biên, ông cảm nhận được sự đam mê cháy bỏng của Trần Đình Thăng đối với cổ vật với sự dày công trong nhiều năm trời.
Từ những đồ đồng, đồ gốm, đồ sứ… của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Hoa với đủ các loại hình, từ bát, đĩa, âu, ang, ấm, liễn… là những vật dụng thường ngày, đến những chân đèn, lư hương, cốc trầm thuộc đồ dùng tôn giáo tín ngưỡng, đều được ông Thăng trân trọng, lưu giữ như những báu vật của tiền nhân.
Những con số độc đáo
Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2021 đến 2023, ông Thăng đã có 3 lần được công nhận sở hữu bảo vật quốc gia.
Năm 2021, 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa nằm trong bộ sưu tập của ông Thăng được công nhận bảo vật quốc gia.
Tiếp đó, năm 2022, ông Thăng có thêm 6 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI – XII); đĩa gốm men lam tím (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); lư hương gốm hoa lam (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại: thế kỷ XVI – XVII).
Khi được hỏi về 3 lần đăng kí bảo vật quốc gia của nhà sưu tập, ông Trần Đình Thăng giải thích, theo tín ngưỡng dân gian, 18 là số của sự cân bằng âm dương, thuận tự nhiên đem năng lượng, điều tốt lành giúp công danh, sản nghiệp đạt đỉnh cao viên mãn, vững bền và trường thịnh.
Lịch sử Việt Nam có 18 đời vua Hùng, Phật giáo có thập bát La Hán, và một trong những phương tiện tu tập đạo Phật là tràng hạt 18 châu, chuỗi dây xâu suốt mọi ý tưởng thành một trật tự giúp hành giả đi sâu vào trạng thái của Định để phát khởi Tuệ.
Theo ông Biên, 18 bảo vật là thành quả minh chứng tầm vóc sưu tập An Biên, làm mạch dẫn, hồi quang quá khứ giúp con người tận thấu, ghi nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa qua cổ vật.