Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Epping, ngoại ô Melbourne, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Phó Giáo sư Anthony Byrne, làm việc tại phòng khám “COVID kéo dài” của Bệnh viện St Vincent’s ở thành phố Sydney, cho biết một số bệnh nhân sẽ phải mất nhiều thời gian hơn những người khác để phục hồi sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng là rất khó phân biệt giữa phục hồi chậm và “COVID kéo dài”. Ông nêu rõ có 2 khung thời gian cần chú ý: các triệu chứng dai dẳng sau 28 ngày được gọi là “hậu nhiễm trùng cấp tính” và các triệu chứng dai dẳng sau 3 tháng có thể được coi là “COVID kéo dài”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Catherine Bennett, Trưởng khoa Dịch tễ học của trường Đại học Deakin ở Australia, cho biết có hơn 200 triệu chứng liên quan đến “COVID kéo dài”, ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện đối với gần 10.000 bệnh nhân ở Mỹ đã xác định 12 triệu chứng phổ biến liên quan đến những người mắc “COVID kéo dài” và thường tồn tại trong 6 tháng sau khi mắc bệnh, bao gồm: khó chịu sau khi gắng sức, mệt mỏi, sương mù não, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đánh trống ngực, thay đổi sinh lý, mất hoặc thay đổi vị giác và khứu giác, khát nước, ho mãn tính, đau ngực, chuyển động bất thường (bao gồm run, chuyển động chậm lại hoặc chuyển động đột ngột, ngoài ý muốn và không kiểm soát được).
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho hay một người có các triệu chứng ngoài danh sách trên vẫn có thể mắc “COVID kéo dài”. Phó Giáo sư Byrne chỉ ra một triệu chứng mà phòng khám của ông thường không thấy có trong kết quả nghiên cứu của Mỹ là khó thở. Đây thực sự là một triệu chứng quan trọng, đặc biệt là đối với nhiều người Australia đang gặp khó khăn để được chẩn đoán.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính “COVID kéo dài” có thể ảnh hưởng đến 10-20% những người mắc COVID-19. Trong báo cáo của Quốc hội Australia hồi tháng trước về “COVID kéo dài”, tỷ lệ này ở Australia đã giảm còn khoảng 5%. Dữ liệu từ một phòng khám ở Australia cho thấy “COVID kéo dài” thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi 40-50, hầu hết họ đều có cuộc sống năng động trước khi mắc bệnh.
Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể nào được phê duyệt cho “COVID kéo dài”, mặc dù một số bệnh nhân đã sử dụng thuốc giảm đau, thuốc dùng cho các triệu chứng khác và vật lý trị liệu. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Byrne, các bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ người bệnh. Một thử nghiệm lâm sàng mà Bệnh viện St Vincent’s đang thực hiện có tên là IMPACT-ico mang đến cho bệnh nhân bị “COVID kéo dài” cơ hội nhận được thuốc uống hoặc dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn để có thể hỗ trợ họ hồi phục.
Tiến sĩ Byrne cho hay hiện nhiều người đang chi tiền cho các phương pháp điều trị không được đánh giá đúng mức hoặc nghiêm ngặt. Ông cảnh báo người dân không nên chạy theo trào lưu dùng thuốc chống viêm hoặc uống các loại vitamin một cách bừa bãi vì điều này vừa gây tốn kém, vừa không hiệu quả.
Ông Paul Kelly, Giám đốc Y tế của Australia, cho biết một kế hoạch quốc gia đang được phát triển để ứng phó với “COVID kéo dài”. Cơ quan chức năng đã phân bổ hơn 50 triệu AUD (32,5 triệu USD) cho các hoạt động nghiên cứu, đồng thời kêu gọi khẩn cấp cải thiện hoạt động thu thập dữ liệu về các ca “COVID kéo dài”.