Ngày 12/8, Australia ký thỏa thuận cho phép trao đổi vật liệu và bí mật hạt nhân với Mỹ và Anh, bước quan trọng hướng tới việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho hải quân của quốc gia châu Đại Dương.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles. |
Thỏa thuận này ràng buộc ba nước vào các thỏa thuận an ninh liên quan việc chuyển giao vật liệu và bí quyết hạt nhân nhạy cảm của Mỹ và Vương quốc Anh như một phần của thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS năm 2021 .
Hãng tin AFP dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới việc Australia mua lại các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường cho Hải quân Hoàng gia”.
Theo ông, việc Australia mua lại một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ thiết lập “tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân cao nhất”, đồng thời nhấn mạnh rằng, nước này không tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận mới nhất trên, được ký tại Washington hồi tuần trước và Australia đã đệ trình lên quốc hội trong ngày hôm nay (12/8), bao gồm một điều khoản cho phép Canberra bồi thường cho các đối tác trước mọi trách nhiệm pháp lý đối với rủi ro hạt nhân từ các vật liệu được gửi đến quốc gia châu Đại Dương.
Theo báo cáo, vật liệu hạt nhân dùng cho hệ thống đẩy của tàu ngầm trong tương lai sẽ được chuyển từ Mỹ hoặc Anh dưới dạng “các đơn vị năng lượng hàn hoàn chỉnh”.
Tuy nhiên, Australia sẽ chịu trách nhiệm lưu trữ và xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng như chất thải phóng xạ từ các đơn vị điện hạt nhân được chuyển giao theo thỏa thuận.
Thỏa thuận chuyển giao nêu rõ: “Tàu ngầm là một phần thiết yếu trong năng lực hải quân của Australia, mang lại lợi thế chiến lược về mặt giám sát và bảo vệ các tuyến đường biển của chúng tôi”.
Hồi tháng 4, trong chuyến thăm Australia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo, AUKUS đã gây ra “rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng”, cho rằng điều này đi ngược lại hiệp ước Nam Thái Bình Dương cấm vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Nguồn: https://baoquocte.vn/aukus-australia-ky-thoa-thuan-voi-anh-va-my-cho-phep-trao-doi-bi-mat-hat-nhan-282291.html