Thủ tướng Australia cảnh báo việc đóng băng đối thoại có thể khiến Mỹ – Trung tăng nghi ngờ lẫn nhau, có nguy cơ leo thang thành vấn đề “không thể cứu vãn”.
“Đóng băng ngoại giao chỉ gieo rắc nghi ngờ, khiến các quốc gia hiểu sai về nhau và đưa ra nhận định tồi tệ nhất về bên kia”, Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2023 ở Singapore ngày 2/6. “Nếu thiếu đối thoại, vốn đóng vai trò như một van xả áp lực cho quan hệ, có nguy cơ các nhận định sẽ leo thang thành hành động hoặc phản ứng đáng tiếc không thể cứu vãn”.
Ông Albanese bày tỏ ủng hộ việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực nối lại trao đổi cấp cao với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở mức thấp trong nhiều thập kỷ do loạt vấn đề, trong đó có eo biển Đài Loan.
“Hậu quả của đổ vỡ đối thoại, dù ở eo biển Đài Loan hay bất cứ nơi nào khác, sẽ tàn phá không chỉ những nơi xảy ra xung đột và các cường quốc tham gia mà là cả thế giới”, Thủ tướng Albanese nói.
Ông Albanese cho biết Australia đang trong quá trình cải thiện quan hệ với Trung Quốc theo chủ trương “hợp tác ở những vấn đề có thể hợp tác”.
“Đối thoại giữa hai nước từng bị gián đoạn, song giờ đây đã được nối lại”, Thủ tướng Australia nói và khẳng định nước này muốn xây dựng quan hệ ổn định cùng Trung Quốc sau ba năm đóng băng ngoại giao.
Australia mặt khác vẫn tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, đặc biệt trên phương diện an ninh. Australia lập liên minh AUKUS với Anh và Mỹ, trong đó có thỏa thuận liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.
Theo thỏa thuận, Australia sẽ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia do Mỹ chế tạo với số lượng tối đa là 5 chiếc, các chiến hạm sẽ không mang vũ khí hạt nhân. Australia dự kiến chi gần 250 tỷ USD cho chương trình này.
“Mục tiêu đầu tư năng lực quốc phòng của Australia không phải để chuẩn bị cho chiến tranh, mà để ngăn điều đó xảy ra thông qua biện pháp răn đe chiến lược và củng cố sức mạnh chung của khu vực”, ông Albanese cho biết.
Căng thẳng Mỹ – Trung xấu đi nghiêm trọng sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022. Hai nước từng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Indonesia vào tháng 11/2022, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, sự kiện Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2, do đánh giá đây là thiết bị do thám quân sự, đã khiến đối thoại cấp cao giữa hai nước đóng băng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã “áp sát nguy hiểm” máy bay trinh sát Mỹ RC-135 khi nó hoạt động trên không phận quốc tế ở Biển Đông ngày 26/5, gọi đây là hành động “gây hấn không cần thiết”. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ trích Washington mới là bên “hành động khiêu khích” ở khu vực.
Lầu Năm Góc cuối tháng 5 thông báo Bắc Kinh từ chối lời mời tiến hành cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Singapore, bên lề Đối thoại Shangri-La 2023. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/5 cho biết ông Lý Thượng Phúc chưa thể nhận lời gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin do Washington chưa giải quyết những lo ngại của Bắc Kinh.
Ngày 2/6, ông Austin và ông Lý đã chào hỏi và bắt tay bên lề diễn đàn nhưng cuộc trao đổi rất ngắn. Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đánh giá tương tác giữa hai bộ trưởng là tín hiệu tích cực. “Dù vậy, cái bắt tay ở một buổi tiệc không thể thay thế một cuộc gặp đúng nghĩa và trao đổi thực chất”, người này nói.
Thanh Danh (Theo Reuters, Sydney Morning Herald)