Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng. Đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng.
Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC. Khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, it nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022, có tới 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Trong khi ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, từ việc khách hàng có thể mở tài khoản online cho đến việc tiêu dùng, người dân gần như đã thành thạo các nghiệp vụ cơ bản như chuyển khoản, thanh toán… đều được sử dụng qua nền tảng trực tuyến.
Ngân hàng cũng đã kết hợp với công ty Fintech mở các ví điện tử để người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ cơ bản như điện, nước, tiền nhà, tiền điện thoại…
Với ứng dụng thẻ (Mastercard, Visa), ngân hàng đã tăng cường sử dụng thanh toán thẻ nhiều hơn, làm giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng tiền mặt.
Ngày 8/8 vừa qua, Apple Pay đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam, cộng với Androi đã hoàn thiện tích hợp thẻ trên điện thoại. Cùng với việc tích hợp ứng dụng mã QR trên điện thoại, giờ đây, người dân chỉ cần mang điện thoại để thanh toán mọi giao dịch từ nhỏ đến lớn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện.
“Tốc độ nhanh, không cần quản lý tiền mặt. Rõ ràng ứng dụng chuyển đổi số đã thực sự đi vào đời sống của người dân từ người bán hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp lớn”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ngọc Tuân