(CLO) Một ngày sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép, Ukraine đã bắn tên lửa tầm xa ATACMS vào khu vực Bryansk, nằm cách 379 km về phía tây nam Moscow.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào khu vực Bryansk của Nga, đây là lần đầu tiên Kiev sử dụng loại vũ khí này bên trong nước Nga.
Bộ này cho biết 5 tên lửa đã bị phòng không Nga đánh chặn, trong khi tên lửa thứ sáu bị hư hại và rơi xuống cơ sở quân sự, gây ra hỏa hoạn.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng vũ trang đã tấn công một kho đạn dược ở vùng Bryansk, giáp với Kursk và có khả năng là nơi cung cấp đạn dược cho lực lượng Nga đang chiến đấu tại đó.
Vài giờ trước cuộc tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này. Học thuyết hạt nhân sửa đổi nêu rõ rằng Moscow có thể tiến hành cuộc tấn công như vậy nếu bị tấn công bởi một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.
ATACMS là gì?
Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội mà Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công vào Bryansk là tên lửa đất đối đất do Mỹ sản xuất, được nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin phát triển với tầm bắn lên tới 300 km.
Được phóng từ hệ thống HIMARS hoặc MLRS M270, chúng có thể mang theo bom chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh.
ATACMS có thể đạt được khoảng cách xa hơn các tên lửa khác của Ukraine nhưng vẫn kém hơn tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Được sử dụng lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tên lửa trị giá 1,5 triệu USD này được đánh giá cao vì độ chính xác và khả năng tấn công sâu vào hậu phương của kẻ thù.
Để so sánh, hệ thống HIMARS, cũng do Mỹ cung cấp, có phạm vi ngắn hơn, chỉ khoảng 80 km và chủ yếu được sử dụng để nhắm vào các vị trí chiến thuật.
Vương quốc Anh và Pháp cũng đã cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa, được gọi là Storm Shadow, có khả năng tấn công chính xác tới khoảng cách 250 km.
Với việc Mỹ cho phép sử dụng ATACMS, Vương quốc Anh và Pháp có khả năng sẽ làm theo, dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng Storm Shadows chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
ATACMS sẽ ảnh hưởng đến chiến trường như thế nào?
Mặc dù ATACMS mang lại lợi thế chiến lược nhưng với số lượng hạn chế, chúng khó có thể thay đổi quỹ đạo cuộc chiến vì Nga đã có những bước tiến dần dần ở miền Đông Ukraine. Chưa kể, Nga đã di chuyển nhiều tài sản quan trọng ra khỏi tầm bắn của ATACMS.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Charlie Dietz cũng lưu ý rằng ATACMS sẽ không phải câu trả lời cho mối đe dọa chính mà Ukraine phải đối mặt từ bom lượn do Nga bắn, được bắn từ khoảng cách hơn 300 km, vượt quá tầm với của ATACMS.
Bà Jennifer Kavanagh, giám đốc phân tích quân sự tại Defense Priorities, cho biết quyết định của Mỹ sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc chiến.
Bà cho biết: “Để thực sự gây thiệt hại cho Nga, Ukraine sẽ cần kho dự trữ ATACMS lớn, thứ mà nước này không có và sẽ không nhận được vì nguồn cung của Mỹ có hạn”.
“Hơn nữa, rào cản lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt là thiếu nhân sự được đào tạo và sẵn sàng, một thách thức mà cả Mỹ và các đồng minh châu Âu đều không thể giải quyết được và tất cả vũ khí trên thế giới cũng không thể vượt qua được”, bà nói thêm.
Tại sao Mỹ thay đổi lập trường?
Kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã vận động các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến để tấn công các mục tiêu của Nga, với hy vọng làm suy yếu quân đội Moscow và cải thiện vị thế đàm phán của nước này.
Chính quyền Tổng thống Biden từ lâu đã phản đối các cuộc tấn công bên trong nước Nga vì lo ngại chúng có thể làm leo thang xung đột và có khả năng kéo NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Sự thay đổi quan điểm của Tổng thống Biden diễn ra chỉ vài tuần trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 1. Người kế nhiệm ông, Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã hứa sẽ đàm phán để chấm dứt nhanh chóng cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những câu hỏi chính còn lại là gì?
Không rõ Mỹ sẽ áp dụng những hạn chế nào đối với việc sử dụng vũ khí, cũng không rõ Mỹ sẽ cung cấp bao nhiêu vũ khí cho Ukraine.
Trong khi Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine trong nhiều gói viện trợ quân sự khác nhau, Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ có bao nhiêu tên lửa đã được gửi đi hoặc chính xác Lầu Năm Góc có bao nhiêu tên lửa đó. Các ước tính cho thấy Mỹ có ít nhất hàng nghìn tên lửa ATACMS.
Ngoài ra, kết quả cuộc bầu cử gần đây của Mỹ đặt ra câu hỏi về việc chính sách này sẽ được áp dụng trong bao lâu. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Biden chi tiêu quá nhiều để hỗ trợ Ukraine. Ông Trump có thể đảo ngược các động thái của ông Biden.
Mặt khác, vẫn chưa rõ liệu các đồng minh khác có tham gia hay không. Quyết định của Mũ có thể khuyến khích Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow, còn được gọi là tên lửa SCALP, có tầm bắn 250 km.
Hoài Phương
Nguồn: https://www.congluan.vn/atacms-ten-lua-my-ma-ukraine-su-dung-tan-cong-nga-manh-the-nao-va-co-the-thay-doi-cuc-dien-post322142.html