Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang dẫn đầu về chuyển đổi kinh tế số ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những nỗ lực chuyển đổi số giúp ASEAN mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế.
Sự hiện diện của QRIS cho các giao dịch xuyên quốc gia khiến Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu trong ASEAN về giao dịch thanh toán kỹ thuật số. (Nguồn: Tribunnews) |
Chuyển đổi số là chiến lược hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, gắn kết chính trị, liên kết kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, bảo đảm duy trì vị thế trung tâm của châu Á năng động.
Thanh toán xuyên biên giới
Một hệ thống thanh toán xuyên biên giới khu vực mà các quốc gia Đông Nam Á mới triển khai được kỳ vọng giúp tăng cường hội nhập tài chính giữa các nước tham gia, đưa khối ASEAN đến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế.
Năm quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines đã nhất trí hợp tác thanh toán xuyên biên giới ASEAN bằng mã QR hoặc ví điện tử giúp thanh toán nhanh và có người dùng có thể giao dịch bằng nội tệ.
Các ngân hàng trung ương của năm nước, gồm Ngân hàng Indonesia (BI), Ngân hàng Negara Malaysia (BNM), Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Ngân hàng Thái Lan (BOT), và Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) cùng hợp tác để tạo ra hệ thống thanh toán xuyên biên giới ở ASEAN nhanh và rẻ, toàn diện và minh bạch hơn.
Theo thỏa thuận, các ngân hàng này cam kết sử dụng đồng nội tệ của tất cả các nước ASEAN làm công cụ thanh toán chính thức và được chuyển đổi theo tỷ giá hối đoái hiện hành ở mỗi quốc gia.
Tháng 1/2023, Indonesia và Malaysia thử nghiệm hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR và trở thành phương thức thanh toán chính thức ngày 8/5.
Trước đó, hợp tác thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR đã triển khai thành công tại Thái Lan và Indonesia.
Dữ liệu từ Ngân hàng Indonesia cho thấy, số lượng giao dịch của khách du lịch Indonesia tại Thái Lan bằng mã QR đạt 14.555 lần, với giá trị 8,54 tỷ Rp (Rupiah Indonesia, khoảng 13.4 tỷ đồng). Trong khi đó, số lượng giao dịch của khách du lịch Thái Lan tại Indonesia với QRIS là 492 giao dịch, trị giá 114 triệu Rp (179 triệu đồng).
QRIS kết hợp các QR khác nhau từ nhà cung cấp dịch vụ hệ thống thanh toán để giao dịch tập trung và thuận tiện hơn. Người dùng không cần có tài khoản hoặc sử dụng nhiều ứng dụng để thanh toán. Nhờ đó, các giao dịch kỹ thuật số sử dụng mã QR trở nên dễ dàng, nhanh chóng và an toàn hơn.
Ngân hàng Indonesia đang thúc đẩy việc sử dụng QRIS làm phương thức thanh toán chính thức ở các nước ASEAN khác để mỗi ngân hàng trung ương có thể chuẩn hóa thanh toán kỹ thuật số bằng các ứng dụng tài chính kỹ thuật số, như ngân hàng di động và ví điện tử.
Việc thanh toán dễ dàng và nhanh chóng có thể tăng cường thương mại và du lịch trong ASEAN. Chẳng hạn, khách du lịch Indonesia không cần phải có tiền Ringgit khi giao dịch ở Malaysia. Hệ thống thanh toán QRIS sẽ ngay lập tức chuyển đổi Rupiah thành Ringgit theo tỷ giá hối đoái hiện hành khi thực hiện giao dịch.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đối với dự án, cam kết xây dựng lộ trình mở rộng liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên ASEAN.
Chương trình này nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán thương mại xuyên biên giới, đầu tư, chuyển tiền và các hoạt động kinh tế khác, nhằm triển khai hệ sinh thái tài chính toàn diện khắp Đông Nam Á.
Ông Nico Han, nhà phân tích Đông Nam Á tại Diplomat Risk Intelligence, bộ phận tư vấn và phân tích của tạp chí The Diplomat cho biết: “Một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thống nhất sẽ thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong quản lý các vấn đề quốc tế”.
Ngày 3/9, các cuộc đàm phán Hiệp định khung về Kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) được khởi động trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23, thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nước ASEAN trong thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số ở khu vực. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số. |
Thu hẹp khoảng cách
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi ASEAN sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực trong trung và dài hạn được xem là một trong năm chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN, đó là: tăng cường hệ thống y tế; bảo đảm an ninh con người; thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển bền vững.
Tháng 1/2021, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM) được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất. Kế hoạch trên nhằm đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái, bảo đảm an ninh mạng để thúc đẩy không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.
Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước trong khu vực cũng như giữa người dân trong mỗi quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng một cộng đồng kỹ thuật số ASEAN bao trùm. Tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề về Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong ASEAN hồi tháng 9/2021, các chuyên gia cho rằng, khi việc áp dụng kỹ thuật số hóa tăng, các chính phủ ASEAN cần đầu tư nhiều hơn nữa cơ sở hạ tầng.
Cũng theo các chuyên gia, người dân, đặc biệt khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ tại ASEAN hãy sẵn sàng thích ứng để tạo ra giá trị kinh tế sau khi được kết nối. Một cách tiếp cận toàn diện là điều cần thiết để đạt được kết quả công bằng và hiệu quả.