Vì nhiều lý do, bầu cử Mỹ 2024 thu hút sự quan tâm đặc biệt của ASEAN, với các nước thành viên hy vọng có thể nhanh chóng thích ứng trước những thay đổi về chính sách của chính quyền kế tiếp ở Washington.
Chủ đề bầu cử Mỹ 2024 chiếm trọng tâm các cuộc trao đổi giữa giới chức chính quyền Biden-Harris, giới học giả, chuyên gia độc lập và những nhà báo ASEAN tham gia chương trình đưa tin về hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN-Mỹ. Chương trình do Phái bộ Mỹ tại ASEAN (trụ sở Indonesia) phối hợp Trung tâm Đông-Tây (trụ sở Hawaii) tổ chức vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Những cuộc trao đổi đã phản ứng sự quan tâm của báo chí ASEAN nói riêng và mỗi nước thành viên ASEAN nói chung đối với kết quả bầu cử Mỹ năm 2024.
Sự bất định và tính tiếp nối
Một trong các câu hỏi được đặt ra tại những cuộc thảo luận luôn xoáy vào yêu cầu phân tích cục diện bầu cử Mỹ giữa ứng viên tổng thống lưỡng đảng, cũng như ảnh hưởng tiềm tàng đối với từng nước ASEAN và cả khối trong trường hợp ứng viên Cộng hòa hoặc Dân chủ thắng cử ngày 5.11.
Tại một cuộc gặp, tiến sĩ Satu Limaye, Giám đốc Văn phòng Washington của Trung tâm Đông – Tây kiêm Phó chủ tịch trung tâm, đề cập đến báo cáo tựa đề “Châu Á vượt qua sự bất định và tính tiếp nối của chính sách Mỹ về khu vực trong bối cảnh bầu cử 2024”. ASEAN là một phần quan trọng trong chính sách chung tại khu vực.
Theo báo cáo, “sự bất định” mà châu Á cảm nhận bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, và mức độ mạnh yếu dao động theo từng nước cụ thể. Chẳng hạn Philippines được nhận định nằm trong số những nước cảm thấy lo lắng nhất về hậu quả nghiêm trọng nếu chính quyền mới ở Mỹ giảm sự ủng hộ.
Bên cạnh đó, sự bất định còn đến từ cảm giác không nắm rõ thông tin đáng tin cậy về các động lực chính trị Mỹ, bao gồm chính sách đối ngoại và quan hệ kinh tế thế giới. Hậu quả là các nước ASEAN thực sự gặp khó khăn trong việc đưa ra những biện pháp hiệu quả để ứng phó những xu hướng mới nổi trong chính sách Mỹ, chứ chưa vội đề cập những bất ngờ khó đoán có thể xảy đến.
Báo cáo nêu vài ví dụ cụ thể cho sự bất định, như sự tranh cãi giữa hai ứng viên xung quanh quan điểm của chính quyền Washington đối với Ukraine, và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng trong nội bộ của cả hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Ngược lại, chủ đề “tính tiếp nối” đề cập đến việc nhiều nước châu Á, trong đó có các thành viên ASEAN, đều từng làm việc với ứng viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) và chính quyền Biden-Harris qua các chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ.
Vì thế, các nước ASEAN phần nào cảm thấy sự tự tin khi xử lý quan hệ với Mỹ bất chấp người thắng cuộc. Họ cũng phân tích rằng trong khi tồn tại nhiều bất ngờ, đặc biệt trong trường hợp ông Trump đắc cử, một số khía cạnh then chốt trong chính sách Mỹ vẫn có thể đoán trước.
Chẳng hạn, giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tồn tại sự cạnh tranh chiến lược, và Washington sẽ không ngừng đưa ra các biện pháp nhằm ứng phó những thách thức từ Bắc Kinh.
Như vậy, một thách thức chính mà đa số châu Á phải đối mặt là làm sao thích ứng và xử lý tính liên tục trong chính sách Mỹ trong quá trình chuyển đổi chính quyền.
Trong bối cảnh này, đa số các quốc gia khu vực đều duy trì quan hệ thắt chặt với Quốc hội Mỹ, cũng như quan hệ với các cơ quan xây dựng chính sách đối ngoại, quốc phòng ở Washington.
Dựa trên những mối quan hệ vốn có, các chính phủ châu Á phần nào cảm thấy vẫn có thể kịp thời thích trước những thay đổi bất ngờ đến từ chính quyền Mỹ sắp tới.
Mỹ đang thiếu gì ở ASEAN?
Trong cuộc gặp sau đó với ông Andreyka Natalegawa, chuyên gia Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở Washington D.C), ông nhận xét Đông Nam Á đang nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết từ chính quyền đương nhiệm ở Washington. Thế nhưng, trình độ nhận thức và hiểu biết về khu vực vẫn còn chưa đáp ứng được.
Những tổ chức như CSIS đang nỗ lực thu hẹp sự thiếu hụt và đưa ra những biện pháp hữu hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN-Mỹ. Theo chuyên gia Natalegawa, tất cả những điều đó đang diễn ra trong bối cảnh xuất hiện một số thay đổi địa chiến lược quan trọng, ví dụ như sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Tiến sĩ Zack Cooper, chuyên gia cao cấp của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI, trụ sở Washington D.C), cũng cho rằng Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm ra cách hợp tác hiệu quả với khu vực Đông Nam Á.
Theo chuyên gia AEI, so với ASEAN, Mỹ đang dồn nỗ lực nhiều hơn vào các nhóm Bộ Tứ, G7, AUKUS (thỏa thuận an ninh Anh-Mỹ-Úc). Vì thế ông tỏ ra lo ngại khi nhận xét rằng cho đến nay chính quyền Washington vẫn chưa có kế hoạch hợp tác thể chế rõ ràng với ASEAN.
Dù vậy, tiến sĩ Cooper nhận định sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á về căn bản sẽ không thay đổi dù phe nào thắng cuộc trong ngày bầu cử 5.11.
Nguồn: https://thanhnien.vn/asean-va-bau-cu-my-nam-2024-185241230190837002.htm