“Chúng ta không thể tác động đến vận mệnh của Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Những gì chúng ta có thể làm là giữ cho ASEAN đoàn kết và kiên cường”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo khẳng định.
Khai mạc Diễn đàn tương lai ASEAN ngày 23/4 tại Hà Nội. |
Chia sẻ với TG&VN trong dịp gần đây, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo đã phân tích khái quát về vị thế vững vàng của ASEAN trong một cục diện khu vực đầy bất trắc như hiện nay. Nguyên Bộ trưởng khẳng định ASEAN thật may mắn trong một thế giới xoay vần nhưng sự may mắn đó không hiển nhiên mà có, ASEAN đã đoàn kết và kiên cường.
ASEAN có ý nghĩa chiến lược
Theo ông George Yeo, tầm quan trọng của ASEAN đối với sự thịnh vượng của các nước Đông Nam Á và hòa bình ở châu Á là điều khó có thể phủ nhận. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi lịch sử sang một thế giới đa cực.
“Giống như các mảng kiến tạo đang chuyển động, không thể tránh khỏi những áp lực lớn. Động đất và sóng thần thường xuyên là không thể tránh khỏi”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore ví von.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phân tích về xu hướng cục diện thế giới, ông George Yeo cho rằng phương Tây đã quen với việc dễ dàng chi phối thế giới trong vài trăm năm và hiện đang chống lại sự thay đổi.
Áp dụng thế trận phòng thủ, Mỹ quyết tâm làm chậm sự trỗi dậy của Trung Quốc và coi đây là thách thức chính của mình.
Xung đột Nga-Ukraine đã giúp Mỹ củng cố liên minh phương Tây. Tuy nhiên, do cuộc xung đột diễn ra dai dẳng, liên minh đó đang bị thử thách. Sự ủng hộ Ukraine trong nội bộ các nước phương Tây cũng đang có sự suy yếu.
Theo ông George Yeo, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc sẽ còn kéo dài. Trong ngắn hạn, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã ổn định vì cả hai đều biết phải hợp tác cùng nhau để ổn định kinh tế toàn cầu. Thêm nữa, Mỹ còn phải dồn lực để giải quyết các vấn đề ở Đông Âu và Trung Đông.
Thế nhưng, quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ cân bằng khi Washington thấy rõ rằng Bắc Kinh không có tham vọng bá chủ toàn cầu.
Trong bối cảnh địa chính trị vô cùng phức tạp, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đánh giá ASEAN có ý nghĩa chiến lược tại khu vực. Với các quốc gia thành viên, ASEAN quan trọng mang tính chiến lược.
“Nếu không có ASEAN, Singapore sẽ ngày càng bị đưa vào thế khó. Nếu không có ASEAN, giấc mơ về một Đông Nam Á trung lập của Indonesia sẽ trở thành viển vông”, ông George Yeo khẳng định.
Một ASEAN đầy sức sống đang góp phần củng cố độc lập, tự chủ của các quốc gia thành viên. Căng thẳng hiện nay ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc cũng được quản lý tốt hơn trong khuôn khổ quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Ông George Yeo cho rằng, liệu Mỹ có thể tự mình tái lập và giữ vững vị trí ưu việt trên thế giới hay không là điều không chắc chắn lớn nhất trong thế giới hiện nay.
Do đó, “chúng ta không thể tác động đến vận mệnh của Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Những gì chúng ta có thể làm là giữ cho ASEAN đoàn kết và kiên cường”, ông George Yeo nhấn mạnh.
Một ASEAN như vậy sẽ giúp duy trì hòa bình trong một khu vực rộng lớn hơn. ASEAN không chọn bên. “Chúng ta thật may mắn khi Đông Nam Á không phải là Đông Bắc Á, Nam Á hay Trung Đông”, nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore khẳng định.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo phát biểu trong một phiên thảo luận của Diễn đàn Tương lai ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Linh hoạt và sáng tạo
Theo ông George Yeo, ASEAN cân bằng không phải vì sức mạnh cứng mà vì sức mạnh mềm.
Để minh chứng cho điều đó, ông George Yeo phân tích ASEAN đã thành công trong việc tạo ra một khuôn khổ nền tảng để các quốc gia gặp nhau vì những mục đích chung. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là khuôn khổ duy nhất có sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Cũng là những nước ASEAN, đầu tiên là ở Singapore và sau đó là ở Hà Nội, là trung gian tạo điều kiện cho các thượng đỉnh Mỹ-Triều được hiện thực hóa (năm 2018 và năm 2019).
Rõ ràng, ASEAN đã linh hoạt và sáng tạo, về mặt chính trị, ASEAN đã thành công khi tất cả các cường quốc trên thế giới đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN. Về khía cạnh kinh tế, ASEAN đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển kinh tế nội khối, tuy vậy vẫn cần phải cố gắng hơn nữa.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore, có rất nhiều điều các nhà lãnh đạo ASEAN có thể thúc đẩy để tiếp tục phát triển ASEAN tiến về phía trước. Để những tiến bộ của ASEAN được bền vững trong thời đại thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, hội nhập ASEAN phải mang tính cơ hữu. Trong cả 10 nước thành viên ASEAN, ý thức về ASEAN cần phải mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục để người dân ASEAN hiểu rõ hơn về nhau.
Tương lai của ASEAN đang nằm trong tay thế hệ trẻ nhưng rất ít trong số họ quen thuộc với lá cờ ASEAN hay bài ca ASEAN. Do vậy, ASEAN cần một loạt sáng kiến, từ trên xuống và từ dưới lên để mỗi người dân ASEAN hiểu rằng ngôi nhà ASEAN là nơi họ thuộc về, họ là người Đông Nam Á.
“Chúng ta có thể theo đạo Hồi nhưng chúng ta không ở Trung Đông; chúng ta có thể là người gốc Hoa nhưng chúng ta không phải là người Trung Quốc. Chúng ta rất đa dạng, có lẽ là khu vực đa dạng nhất trên thế giới. Nhưng đó chính là điều đoàn kết chúng ta trên cơ sở đa văn hóa. Bất kể bạn đến từ đâu, bạn đều được chào đón ở đây và bạn cảm nhận được điều đó, vì đâu đó trong chúng tôi, bạn tìm thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình”, ông George Yeo chia sẻ.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore, Diễn đàn Tương lai ASEAN (ARF) do Việt Nam đăng cai tổ chức thành công mới đây thể hiện mong muốn chung nhằm bảo đảm tương lai chung của ASEAN. Bằng cách lèo lái con thuyền chung một cách mạnh mẽ nhưng linh hoạt, ASEAN sẽ mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn “dù mặt đất có rung chuyển mạnh thế nào, dù gió thổi mạnh đến đâu”.
Một ASEAN phát triển thịnh vượng sẽ giữ chân nhân tài và vốn trong ASEAN. Điều này cũng sẽ khuyến khích những người ở xa hơn đến và cư trú tại ASEAN với mong muốn trở thành một công dân ASEAN.