Ngay trước cuộc hòa đàm mới, Bộ Ngoại giao Armenia cáo buộc Azerbaijan đã đe dọa sử dụng vũ lực và “chuẩn bị cơ sở cho hành động gây hấn nhằm vào người dân tại Nagorny-Karabakh.”
Quốc kỳ Azerbaijan (trái) và quốc kỳ Armenia tại trạm kiểm soát biên giới giữa hai nước ở làng Sotk (Armenia). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hai ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán mới hướng tới một hiệp định hòa bình để giải quyết các tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh, quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan lại gia tăng căng thẳng với những cáo buộc lẫn nhau.
Hãng thông tấn Armenpress của Armenia dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc Azerbaijan đã đe dọa sử dụng vũ lực và “chuẩn bị cơ sở cho hành động gây hấn nhằm vào người dân tại Nagorny-Karabakh.”
Armenia đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 28/5 đề nghị giải tán cái gọi là hội đồng lập pháp tự xưng ở Nagorny-Karabakh.
Quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Trung Á này liên quan đến quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.
Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp cho các các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.
Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi ngày 23/4 vừa qua, Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ nước này và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước dường như đã đạt được tiến triển, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev xác nhận hai bên đang tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Azerbaijan cho rằng “có khả năng đi đến một thỏa thuận hòa bình, xét đến việc Armenia chính thức công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan.”
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia khẳng định hai bên “đã đạt được bước tiến tốt trong việc bình thường hóa quan hệ dựa trên sự công nhận toàn vẹn lãnh thổ của nhau.”
Ông Pashinyan khẳng định Yerevan “sẵn sàng giải tỏa tất cả các tuyến giao thông trong khu vực đi qua lãnh thổ Armenia.”
Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo này sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) tại Chisinau (Moldova) vào ngày 1/6 tới./.