Ngày 9/1, chính phủ Armenia đã đi bước quan trọng trong tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU).
Armenia bắt đầu tiến trình gia nhập EU. (Nguồn: APA) |
Theo báo Interfax, chính phủ Armenia đã thông qua dự luật gia nhập EU tại cuộc họp trong ngày 9/1, sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Ủy ban bầu cử trung ương Armenia xác nhận, có hơn 50.000 chữ ký đồng ý với dự luật. Văn kiện này hiện đã được đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn.
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định, dự luật này thể hiện quyết tâm của Armenia trong việc xích lại gần hơn với EU, với việc hai bên đã đạt nhiều thành quả hợp tác, trong đó có các cuộc đàm phán về tự do hóa thị thực và việc Yerevan tham gia chương trình Công cụ hòa bình của châu Âu.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo lưu ý rằng, việc đưa ra quyết định cuối cùng về gia nhập EU sẽ cần phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc và nhận được số phiếu ủng hộ cần thiết từ người dân
Nhà lãnh đạo nói rõ: “Ở giai đoạn này, trước khi đưa ra quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, chúng ta nên thảo luận lộ trình với EU và xây dựng lộ trình này”.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự luật, nhấn mạnh rằng, quyết định này dựa trên nền tảng quan hệ ngày càng phát triển sâu rộng giữa Armenia và EU trong những năm gần đây.
Theo ông, EU “rất giàu có” và nhiều lần thể hiện rõ sự ủng hộ chính trị đối với Yerevan và đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo môi trường an ninh xung quanh Armenia, trong đó có việc triển khai phái bộ giám sát dân sự tại quốc gia Kavkaz này.
Trong bối cảnh đó, theo hãng thông tấn Sputnik, đang có những đồn đoán về khả năng Armenia có thể xem xét hoặc sửa đổi thỏa thuận cho phép sự hiện diện quân sự của Nga tại quốc gia Kavkaz này.
Trước thông tin này, ngày 8/1, Ngoại trưởng Mirzoyan khẳng định, Yerevan không có kế hoạch xem xét lại thỏa thuận về sự hiện diện của Căn cứ quân sự số 102 của Nga trên lãnh thổ Armenia.
Phát biểu trước báo giới tại Yerevan, ông Mirzoyan nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định với các bạn rằng căn cứ quân sự không phải là vấn đề, ít nhất là vào lúc này”.
Armenia, từng là đồng minh thân cận của Nga, hiện đang dần tăng cường hợp tác với EU. Khối này ủng hộ nguyện vọng dân chủ hóa và phát triển của Armenia, chủ yếu thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính và cải cách.
Thách thức chính đối với Armenia hiện nay là cần phải cân bằng giữa con đường châu Âu của mình và ảnh hưởng của Moscow.
Nguồn: https://baoquocte.vn/armenia-chinh-thuc-khoi-dong-tien-trinh-gia-nhap-eu-khang-dinh-chac-chan-ve-so-phan-can-cu-nga-300277.html