Theo ABC News ngày 19.4, yêu cầu này được đưa ra trong cuộc hội đàm về những thách thức an ninh khu vực giữa Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana và Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri tại Brussels (Bỉ).
Ông Geoana hoan nghênh nỗ lực của Argentina để trở thành đối tác được công nhận trong liên minh. “Argentina đóng một vai trò quan trọng ở Mỹ Latinh. Hợp tác chính trị và thực tiễn chặt chẽ hơn có thể mang lại lợi ích cho cả Argentina và NATO”, ông nói thêm.
Các đối tác toàn cầu của NATO có 9 nước, bao gồm: Afghanstan, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Pakistan, Iraq, Colombia, và Mông Cổ. Hợp tác “đối tác toàn cầu” với NATO có vai trò “dưới mức đồng minh” đối với các quốc gia không nằm trong khu vực địa lý của NATO và không bắt buộc phải tham gia các hành động quân sự tập thể. Tư cách thành viên NATO hiện chỉ giới hạn ở các quốc gia châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ.
Trao quy chế “đối tác toàn cầu” cho một quốc gia không có nghĩa là các đồng minh NATO sẽ đến bảo vệ quốc gia đó trong trường hợp bị tấn công. Cam kết này chỉ được giới hạn ở các thành viên chính thức của liên minh – được đề cập trong Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO.
Xích gần hơn với phương Tây?
Tổng thống Argentina Javier Milei khẳng định sự hợp tác có thể cho phép nước này tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hệ thống an ninh và chương trình đào tạo mà trước đây Argentina chưa có. Argentina, dưới thời kỳ của ông Javier Milei, đang triển khai chương trình nghị sự nhằm vực dậy nền kinh tế suy thoái do các biện pháp bảo hộ thương mại, bội chi và nợ quốc tế chồng chất trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, trong 4 tháng đảm nhiệm chức tổng thống vừa qua, ông Javier Milei dần định hình lại chính sách đối ngoại của Argentina. Theo đó, sau khi từ chối gia nhập khối BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn dắt, ông Javier Milei tìm kiếm lợi ích an ninh với việc xích gần hơn với các nước phương Tây và Mỹ.
Hôm 18.4, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Argentina khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 40 triệu USD lần đầu tiên sau hơn 2 thập niên. Khoản tiền này nhằm giúp Argentina trang bị và hiện đại hóa quân đội, cũng như thanh toán chi phí cho 24 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mà Argentina mua từ Đan Mạch vào đầu tuần này.
Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Petri ca ngợi việc mua các máy bay chiến đấu là “vụ mua bán quân sự quan trọng nhất” kể từ năm 1983.
Việc hợp tác chính thức với NATO cần có sự đồng thuận của tất cả 32 thành viên của liên minh. Mối quan hệ của Argentina với Anh (đồng minh chủ chốt trong NATO) đã trở nên căng thẳng kể từ năm 1982, khi 2 bên xảy ra tranh chấp liên quan quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương.
Phản ứng của Nga
Thứ trưởng Nga Sergey Ryabkov nói rằng Nga sẽ không “thay đổi” toàn bộ chương trình nghị sự song phương với Argentina, chỉ vì hợp tác đối tác toàn cầu của quốc gia Mỹ Latinh này với NATO, theo hãng thông tấn TASS hôm 18.4.
Theo ông Ryabkov, Nga và Argentina duy trì đối thoại tốt ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời nhấn mạnh 2 nước có đủ vấn đề song phương cần được thảo luận.