Ngày 7/2, tại Khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung (TP Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, dự Lễ phát động. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường; Văn phòng Chính phủ. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Tết trồng cây đã trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là hoạt động mang ý nghĩa truyền thống sâu sắc, thực chất. Đồng thời, thể hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và triển khai chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phát biểu tại lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong những năm qua công tác trồng cây gây rừng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện đồng bộ với các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh là một trong các tỉnh đi đầu ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển xanh, tuần hoàn. Hàng năm toàn tỉnh trồng trên 12.000ha rừng. Riêng năm 2024 trồng được trên 14.000ha rừng các loại. Trong đó, có trên 800ha rừng gỗ lớn lim, giổi, lát.
Tháng 9 năm 2024, cơn bão số 3 Yagi đã gây thiệt hại to lớn cho diện tích rừng trên địa bàn tỉnh với 128.000ha bị gãy đổ, tỷ lệ che phủ rừng giảm ước còn 42%. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 5.000 tỷ đồng, vừa thiệt hại đến nền kinh tế vừa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước. Thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay sau cơn bão số 3 các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị trồng rừng đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại, triển khai các biện pháp kịp thời bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời khẩn trương khôi phục sản xuất. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai các chính sách để hỗ trợ các chủ rừng khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp tái thiết ngành lâm nghiệp.
Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 2025 của tỉnh đã xác định chỉ tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42% và nâng cao chất lượng rừng, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển. Theo đó, năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt trên 31.847ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ; 29.123ha rừng sản xuất, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng của năm 2024, thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau cơn bão số 3.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định trồng cây, trồng rừng là việc làm thiết thực, ý nghĩa về sự khởi đầu của 1 năm mới, mùa xuân mới, một thời kỳ mới của đất nước với khát vọng vươn mình của dân tộc. Trong đợt này, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh, tương đương 1.000ha rừng tập trung.
Tại lễ phát động, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trao tặng thành phố Uông Bí 1.100 cây thông caribe.
Ngay sau lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu và nhân dân trên địa bàn TP Uông Bí ra quân trồng 1.100 cây thông tại khu vực rừng thông ở hồ Yên Trung.
Trò chuyện với cán bộ, nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được trong công tác trồng cây gây rừng trong toàn tỉnh; ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả với những thông điệp hết sức cụ thể trong hưởng ứng Tết trồng cây.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Phó Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp tục hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu Xuân; trồng cây phục hồi, tái thiết diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nhân lên màu xanh cho những cánh rừng sau thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3.
Nguồn
تعليق (0)