Ngày 14-1, Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp về dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kết luận, phó thủ tướng cơ bản nhất trí các nội dung chủ yếu của dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo quyết định).
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện dự thảo, rà soát, cập nhật nội dung chỉ đạo, định hướng, giải pháp tại các nghị quyết, các văn bản có liên quan của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bảo đảm nội dung của quy hoạch này phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, bổ sung phù hợp trong nội dung của dự thảo quyết định về Trường đại học Hàng hải Việt Nam theo nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Rà soát, hoàn thiện phù hợp nội dung của dự thảo quyết định liên quan đến định hướng di dời các cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực nội đô truyền thống của Hà Nội và khu vực nội đô TP.HCM, theo chủ trương và quan điểm của Đảng.
Rà soát kỹ từng nội dung của dự thảo quyết định và báo cáo tổng hợp quy hoạch, bảo đảm phù hợp, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1-2025, kèm theo dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý xem xét kỹ về sự cần thiết phải có đề án về huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Dự kiến đến năm 2030 có 5 đại học quốc gia
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học.
Trong khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia sẽ có 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18 – 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM, đến năm 2030 cả nước sẽ có thêm 3 đại học quốc gia được phát triển trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đối với phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ sắp xếp theo hướng tinh gọn, phân định vai trò, sứ mạng, căn cứ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước.
Tới năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực, tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc UBND cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận, với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.
تعليق (0)