Theo Phone Arena, Apple đang nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (IP) đối với hình ảnh trái táo thật tại Thụy Sĩ. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng ghi nhận hoạt động tương tự của “táo khuyết” tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Armenia đã chấp thuận.
Động thái tại Thụy Sĩ có thể khiến Fruit Union Suisse (FUS) – doanh nghiệp trái cây lâu đời tại quốc gia này phải lo lắng. FUS đang sử dụng logo thương hiệu là một trái táo đỏ lồng ghép với lá cờ Thụy Sĩ và nếu Apple có được quyền sở hữu trí tuệ, công ty địa phương có 111 năm hình thành, phát triển sẽ phải đổi logo mới.
Jimmy Mariéthoz, Giám đốc của FUS nói: “Chúng tôi thật không thể hiểu nổi chuyện này vì Apple không chỉ đang cố gắng bảo vệ hình ảnh trái táo bị cắn dở của họ. Mục tiêu hãng nhắm tới giờ đây là sở hữu luôn bản quyền hình ảnh trái táo thật, điều tưởng chừng như phải miễn phí với tất cả mọi người”.
Quá trình theo đuổi… bản quyền với trái táo của Apple tại Thụy Sĩ bắt đầu từ năm 2017 khi hãng nộp đơn lên Viện Sở hữu trí tuệ Thụy Sĩ (IPI), yêu cầu được cấp IP đối với hình ảnh đen trắng của trái táo thuộc giống Granny Smith (loại táo xanh, có vị chua). Công ty muốn có quyền sử dụng hình ảnh này trên thiết bị điện tử tiêu dùng và được chứng nhận quyền sở hữu đối với một số mặt hàng mà hãng bảo hộ. IPI cho rằng hình ảnh táo phổ thông nên được tiếp tục được xem là sở hữu cộng đồng.
Tháng 4 vừa qua, Apple kháng cáo và vụ kiện đưa lên tòa án Thụy Sĩ chỉ giải quyết những trường hợp sản phẩm mà Apple không thể đăng ký nhãn hiệu quả táo.
Ông Mariéthoz cho rằng Apple có thể tận dụng vị thế doanh nghiệp lớn để ép đơn vị nhỏ hơn, đồng thời lo lắng việc công ty sản xuất iPhone luôn rất tích cực bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình trong khi có dấu hiệu đi xa hơn, theo đuổi việc có được IP liên quan đến trái táo thực tế.
Thực tế Apple đã rất nhiều lần đưa các doanh nghiệp có sử dụng biểu trưng hình trái táo ra tòa, thậm chí kiện luôn một ứng dụng mang logo trái lê. Theo báo cáo năm 2022 của Tech Transparency Project, trong giai đoạn 2019 tới 2021, Apple có tần suất nộp đơn chống vi phạm nhãn hiệu nhiều hơn nhóm Microsoft, Facebook, Amazon và Google cộng lại, dù các doanh nghiệp này cũng thuộc hàng Big Tech như “táo khuyết”.