Phòng thí nghiệm của Apple đi vào hoạt động từ ngày 10/10 tại Khu hợp tác đổi mới khoa học công nghệ Thâm Quyến – Hồng Kông.

Trước đó, vào tháng 3, nhà sản xuất iPhone công bố kế hoạch xây dựng phòng lab tại đây để thúc đẩy năng lực nghiên cứu, kiểm thử cho các sản phẩm lớn như iPhone, iPad, Vision Pro, đồng thời củng cố hợp tác với các nhà cung ứng địa phương.

w9png0fc.png
Khu hợp tác đổi mới khoa học công nghệ Thâm Quyến – Hồng Kông. Ảnh: Xinhua

Cơ sở có diện tích 20.000m2 trong giai đoạn đầu và sẽ trở thành trung tâm R&D của Apple tại khu vực Vịnh lớn – trung tâm kinh tế và kinh doanh bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Ma Cao và 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông.

Công ty dự định tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự trong và ngoài nước, cuối cùng là phòng lab “rộng lớn nhất” bên ngoài nước Mỹ.

Apple đang tăng cường đầu tư vào nghiên cứu tại Trung Quốc bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Khu vực đại lục cùng với Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) làm nên thị trường địa lý lớn nhất của “táo khuyết” sau châu Mỹ và châu Âu.

Công ty cho biết vào tháng 3 rằng họ đã thành lập các trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu và Thâm Quyến. Quy mô của nhóm R&D tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường smartphone Trung Quốc, nơi Huawei “hồi sinh” với màn ra mắt thiết bị 5G mới năm ngoái.

Lần đầu tiên sau 4 năm, Huawei bán được nhiều thiết bị ở đại lục hơn Apple vào tháng 8, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu CINNO.

Con số phù hợp với những phát hiện từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, ghi nhận các lô hàng smartphone nước ngoài giảm 12,7% trong tháng 8 so với một năm trước đó.

Apple bị loại khỏi danh sách 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc trong quý II khi thị phần giảm xuống dưới 14%, theo hãng nghiên cứu IDC.

(Theo SCMP)